Hội nghị thảo luận: Đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Như tin đã đưa, sáng nay (03/01), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) lần thứ mười sáu để tổng kết Nghị quyết năm 2023, xây dựng Nghị quyết năm 2024.
Trong ngày làm việc hôm nay, hội nghị dành nhiều thời gian để đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề còn hạn chế, khó khăn vướng mắc trên các lĩnh vực, đề xuất biện pháp tháo gỡ, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm.
Đồng chí Trịnh Minh Tự, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh ý kiến: từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay tốc độ tăng trưởng của tỉnh Trà Vinh không phải là thấp, nhưng làm sao đến năm 2025 tổng kết nhiệm kỳ tỉnh ta phải đạt từ 10 - 11%? trong khi sự tăng trưởng của tỉnh ta đối với quy mô kinh tế chưa được mở rộng; tiềm năng, thế mạnh kinh tế chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu phụ thuộc vào ngành điện, nếu ngành điện không đáp ứng tốt thì thế nào?
Song song đó, các địa phương, ngành phải tìm cách thực hiện cho được vai trò giúp nhà đầu tư, Nhân dân tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là những sản phẩm truyền thống có lợi thế, trong đó có sản phẩm trí tuệ (OCOP), phải tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất với lưu thông hàng hóa, giải quyết được vấn đề này sẽ khai thác được vốn trong dân, từ đó tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn, bền vững hơn.
Đồng chí Trịnh Minh Tự còn đề cập một số vấn đề về an ninh nông thôn, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đánh bạc, ma túy, giao thông, vệ sinh môi trường, hụi, cho vay nặng lãi còn nhiều. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy tắc ứng xử gia đình, quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy tắc ứng xử nơi tôn giáo… góp phần giáo dục nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, đời sống nhân văn.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, Đại tá Trần Xuân Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: năm qua, nhất là từ khi Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận thông tin của người dân qua số điện thoại “đường dây nóng”, có rất nhiều tin phản ánh về hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh (chỉ khoảng hơn 04 tháng, Công an tỉnh đã tiếp nhận 136 thông tin phản ánh liên quan cho vay nặng lãi, kết quả khởi tố 05 vụ, 06 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 01 vụ, 01 đối tượng).
Đại tá Trần Xuân Ánh cho biết, trước khi công bố đường dây nóng, Công an tỉnh chỉ xử lý hình sự 01 vụ, 01 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, nhưng đến nay ngoài 05 vụ, 06 đối tượng vừa khởi tố, thì sắp tới đây Công an tỉnh sẽ tiếp tục khởi tố thêm 05 vụ, 05 đối tượng nữa và còn đang tiếp tục xác minh, xử lý 113 thông tin phản ánh liên quan cho vay nặng lãi.
Qua phân tích đặc điểm bị hại trong các vụ án, vụ việc cho vay nặng lãi được phát hiện, xác minh, xử lý, Công an tỉnh nhận thấy người vay phần lớn là lao động tự do (chiếm 42%), công nhân, công chức, viên chức (chiếm 30%), nông dân (chiếm 18%), người vay là nữ giới chiếm 84%.
Để phòng, chống có hiệu quả hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh, Đại tá Trần Xuân Ánh đề xuất Tỉnh ủy chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền đảng viên, công chức, viên chức, người lao động không tham gia vay “tín dụng đen”, vay nặng lãi, nếu phát hiện các trường hợp này thì kịp thời thông tin, phản ánh để đấu tranh xử lý triệt để, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của cán bộ, công chức, người lao động để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn có các gói vay ưu đãi, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tư vấn nhiệt tình, chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người vay được tiếp cận những nguồn vốn chính thống, lãi xuất thấp.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho số lao động tự do, thất nghiệp, nghề nghiệp không ổn định tại địa phương.
Đề xuất cần thiết cho chủ trương thành lập Quỹ An sinh xã hội để hỗ trợ những người yếu thế, thành phần công nhân, lao động khó khăn, bức bách trong cuộc sống (trước mắt hỗ trợ vốn điều lệ từ nguồn ngân sách kinh phí của UBND tỉnh) với những chính sách ưu đãi đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động được vay, cấp vốn và hoàn trả bằng các hình thức tùy vào đặc điểm, điều kiện, thu nhập của người vay.
Đại tá Trần Xuân Ánh thông tin thêm, trong Luật Thi hành án hình sự, Nghị định của Chính phủ có quy định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng giúp đỡ vốn cho người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm, nội dung này đã được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh vận dụng, nhân rộng thực hiện hiệu quả.
Đối với Quỹ An sinh xã hội hỗ trợ người yếu thế, công nhân, lao động gặp khó khăn, bức bách trong đời sống, mặc dù pháp luật chưa có quy định nhưng xét về tình hình thực tế và theo quy định của pháp luật cho phép địa phương có thể ban hành thực hiện miễn sao không trái với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.
Tin, ảnh: KIM LOAN