Ngoại giao kinh tế năm 2024 trở thành trọng tâm, mang lại nhiều kết quả thực chất
Chiều tối nay (20/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ,Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ ngành, Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp nhà đầu tư. Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024 ngoại giao kinh tế thu được nhiều kết quả quan trọng. Thủ tướng chỉ rõ, hội nghị này để nhìn lại, đánh giá lại năm 2024 chúng ta đã làm tốt được việc gì, chưa tốt việc gì trong thúc đẩy ngoại giao kinh tế, từ đó rút ra bài học và kinh nghiệm quý gì để tiếp tục duy trì triển khai ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, đến giờ này chúng ta đạt 15/15 chỉ tiêu đặc biệt là tăng trưởng trên 7%. Đây là một thành tựu chung của đất nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế.
Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ rõ, những kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng, vì dư địa phát triển thì vẫn còn nhiều và có thể làm tốt hơn nữa. Thủ tướng yêu cầu, phải bám sát tình hình, đánh giá đúng tình hình và đưa ra các giải pháp phù hợp để có hiệu quả tốt hơn.
Thủ tướng đề nghị, các đại biểu đánh giá tình hình, nghiên cứu các giải pháp và mạnh dạn đề xuất điểm đột phá để tăng tốc trong thời gian tới đây và làm sao kéo được bạn bè quốc tế đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải xác định, lấy nguồn lực bên trong là nguồn lực cơ bản chiến lược lâu dài, nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn là quan trọng, đột phá; phải tăng cường chuyển giao công nghệ; phải đột phá về thể chế kinh tế thị trường; và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo và phải quản trị thông minh.
Cùng với đó Thủ tướng chỉ rõ, phải đẩy mạnh 3 đột phá: Thứ nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; Thứ hai là về hạ tầng nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistic, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực để tăng cạnh tranh, tăng năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Ả-rập Xê-út, Hungary, Rumani, Dominicana; thăm làm việc tại Trung Quốc, Nga...
Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Cùng với đó đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - Châu Phi, Trung Đông Âu, ta đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng.
Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; Đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế-xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước;
Tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác ngoại giao kinh tế. Về mục tiêu, quan điểm, phương châm và định hướng Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2025 là năm quan trọng vừa là năm bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025; vừa là giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho Đại hội XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh thịnh vượng của dân tộc.
Theo Thủ tướng để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Thủ tướng chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay vừa phải tăng trưởng kinh tế vừa phải sắp tinh gọn xếp bộ máy, đây là việc khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Ngoại giao kinh tế là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng vì vậy Thủ tướng yêu cầu, thúc đẩy ký kết các khung khổ pháp lý; quan tâm đến chính sách visa để làm sao phải thông thoáng hơn, phải tăng cường kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp của nước ta và nước sở tại.
Thủ tướng chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với đó đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, phải có vùng nguyên liệu, kết hợp với các nhà khoa học, làm mới từ mẫu mã bao bì, giống… kết hợp với nhà đầu tư tạo nên chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu việc xúc tiến thương mại đầu tư phải thực chất hơn, hiệu quả hơn; Phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cùng với đó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, các đại sứ, đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tinh thần là phải làm ngay, làm luôn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, chủ động phát huy vai trò xung kích trên mặt trận ngoại giao, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, phân công phải rõ người rõ, việc rõ, thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cân đong đo đếm được. Năm 2025 kết quả phải cao hơn năm 2024.