Hội nghị thượng đỉnh 3 bên: Trung Quốc hạ 'cái tôi', Nhật-Hàn tính thêm một bước lùi, lợi ích chung nào là tối thượng?
Trung Quốc cần không gian hợp tác kinh tế, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn cần thêm 'tự chủ chiến lược' và an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn là ưu tiên quan trọng... đó là những yếu tố cốt lõi để 3 nước khởi động lại thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn.
Dù thế nào vẫn rất cần nhau
Ngày 26/5, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cùng có mặt ở thủ đô Seoul để dự Hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên kể từ năm 2019.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ tham dự hội nghị bị trì hoãn lâu nay với các chương trình nghị sự đa dạng nhưng có chung mong muốn là duy trì ổn định quan hệ trong bối cảnh an ninh khu vực nhiều biến động.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, hội nghị 3 bên ban đầu là một hoạt động thường niên với trọng tâm là vấn đề kinh tế. Sau hội nghị năm 2019 ở Thành Đô (Trung Quốc), đại dịch Covid-19 đã cản trở việc tổ chức các hội nghị tiếp theo.
Trung Quốc vừa qua tỏ ra phản đối việc nối lại hội nghị, một phần có thể do nghi ngờ chính quyền Seoul nghiêng về phía Washington và Bắc Kinh cũng có những bất đồng với Tokyo.
Tuy nhiên, đối mặt với một nền kinh tế trì trệ, sự hình thành của một số thỏa thuận an ninh do Mỹ dẫn dắt, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường.
Trung Quốc mong muốn tăng cường đầu tư của các quốc gia láng giềng, tạo một đối trọng địa chính trị đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho các đồng minh trong khu vực.
Thời gian qua, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã xích lại gần hơn với Mỹ bằng cách tăng cường liên minh và áp dụng mối quan hệ 3 bên với các cuộc tập trận và trao đổi quân sự thường xuyên.
Với trung gian là Washington, cả Tokyo và Seoul đã gạt bỏ các vấn đề lịch sử vốn đã gây khó khăn cho mối quan hệ song phương trong những năm qua.
Việc “xích lại gần nhau” giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được chính thức hóa tại Trại David (năm 2023) dường như đã cảnh báo Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải phát đi tín hiệu “cởi mở” trong việc nối lại cơ chế đối thoại 3 bên, với hy vọng có thể làm xói mòn sự hội tụ chiến lược đang nổi lên.
Mặc dù có vẻ như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ khó rút lại các cam kết của họ với Mỹ, nhưng Trung Quốc có thể chủ trương rằng cả hai nước này đều tìm kiếm một mức độ “tự chủ chiến lược” nào đó thay vì bám chặt vào các ưu tiên an ninh của Mỹ.
Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và thậm chí mở rộng sự ủng hộ của họ đối với các quan điểm của Washington trên toàn cầu, song cả Seoul và Tokyo đều có tính hai mặt trong cách tiếp cận về chính sách đối ngoại của họ đối với Trung Quốc.
Mặc dù cảnh giác trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh, cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn cần duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều công ty Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là cơ hội thị trường quan trọng.
Thành công lớn nhất là ngồi lại đàm phán
Tại Hội nghị cấp cao 3 bên gần đây nhất, thương mại là vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo 3 nước đã nhất trí hợp tác thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và thúc đẩy đàm phán về Hiệp định thương mại tự do 3 bên.
Tuy nhiên, triển vọng đạt được một thỏa thuận như vậy hiện nay còn xa vời. Trong những năm gần đây, sự chú ý đến các chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương (đặc biệt là những chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm) đã gia tăng, khiến các cuộc đàm phán thương mại trở nên phức tạp.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã tác động đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ngay cả trong các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn.
Việc hình thành sự hợp tác mới trong các cuộc xung đột địa chính trị hiện nay cũng có thể khó đạt được tại hội nghị lần này.
Cả 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chia sẻ mối quan ngại về những tiến bộ của Triều Tiên trong các chương trình hạt nhân và tên lửa nhưng mỗi bên lại có những ưu tiên rất khác nhau. Ngay trong vấn đề xung đột Nga-Ukraine, 3 nước cũng đều có những hành xử khác nhau. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong xung đột với Nga trong khi Trung Quốc vẫn kiên định quan hệ đối tác với Moscow.
Có vẻ như bất kỳ tuyên bố chung nào được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh lần này khó có thể tạo bước đột phá trong việc thúc đẩy hợp tác mới giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoại trừ một số điểm thảo luận khiêm tốn về phát triển bền vững, trao đổi quốc tế và một vấn đề chung là giải quyết các xã hội già hóa.
Vậy tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần này là gì khi các bên tiếp tục có bất đồng về các vấn đề an ninh cấp bách nhất trên thế giới? Kết quả lớn nhất chính là sự kiện này và việc 3 nước nhận thấy có đủ lợi thế để gặp gỡ và đàm phán.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên lưu ý thực tế là ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Washington cũng đang tìm kiếm một mối quan hệ an toàn hợp lý với Trung Quốc. Đông Bắc Á có mối liên kết chặt chẽ với nhau bất chấp hàng loạt lo ngại về an ninh.
Cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều đang quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới với sự lo lắng và cảm thấy cần phải ổn định tình hình địa chính trị ở khu vực lân cận. Nguy cơ xuất hiện một chính sách đối ngoại khó lường từ Washington có thể là một trong những động lực chính dẫn đến việc triệu tập lại Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung-Nhật-Hàn, vốn hứa hẹn ít kết quả cụ thể.