Hội nghị thượng đỉnh G20: Các vấn đề đặt ra cho tương lai của chủ nghĩa đa phương
Ấn Độ sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 9-10/9 tới đây trong thời điểm đầy thử thách.
Tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại và phần lớn thế giới đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao. Nhiều quốc gia, vẫn đang trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đang phải đối mặt với những khó khăn nảy sinh từ sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng thực phẩm và năng lượng, xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Gần 40% thế giới đang phát triển phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, đòi hỏi phải khẩn trương xem xét lại các cơ cấu tài chính quốc tế hiện có. Những vấn đề nghiêm túc cũng đang được đặt ra về tương lai của chủ nghĩa đa phương. Tương tự, có nhiều lo ngại về triển vọng trật tự toàn cầu đã xuất hiện. Chúng tích tụ từ những vấn đề dài hạn hơn về tính đại diện thực chất của các thể chế quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như các thỏa thuận đa phương và tiểu đa phương mà các quốc gia ngày càng tham dự nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng về khí hậu đang leo thang đã làm nổi bật hơn nữa nhu cầu cấp thiết đối với các thể chế quốc tế, cần phải hình thành sự đồng thuận toàn cầu về những ưu tiên và hành động.
Trong khi các quốc gia phát triển đã đưa ra những cam kết tài chính quan trọng suốt nhiều năm qua, thì các cơ chế cho việc tài trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu vẫn chưa được xây dựng. Lập trường quốc tế hiện nay về hành động vì khí hậu có lẽ được phản ánh rõ nhất qua các cuộc đàm phán đã diễn ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) hồi tháng 11/2022. Sau hàng loạt cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc thiết lập quỹ hỗ trợ thiệt hại đã đạt được. Mặc dù cam kết này đầy hứa hẹn, nhưng vẫn chưa có tiến bộ nào về các cơ chế chính, qua đó cho thấy một quỹ như vậy sẽ hoạt động và cách thức phân bổ quỹ đó như thế nào?
* Chương trình nghị sự Nam Bán Cầu của Ấn Độ
Trong bối cảnh này, Ấn Độ cam kết thiết lập một chương trình nghị sự mang tính bao trùm cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Khi Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ tịch của G20, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố rằng sẽ xác định những ưu tiên của diễn đàn, tham khảo ý kiến không chỉ của các đối tác G20 - bao gồm các quốc gia như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Mỹ - mà còn cả “những người bạn đồng hành ở Nam Bán Cầu”.
Kết quả là, trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ, những mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển đã thu hút được nhiều sự chú ý. Ấn Độ cũng coi việc đưa Liên minh châu Phi (AU) vào G20 là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Việc đưa AU vào sẽ nâng cao vị thế của G20 với tư cách là một diễn đàn đa phương. Tuy nhiên, điều đó không phải không có những thách thức. Châu Phi không phải là một lục địa đồng nhất, và 55 quốc gia tạo nên AU không có sự đồng thuận về các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế. Như vậy, sẽ rất thú vị khi chứng kiến AU có quan điểm như thế nào đối với các vấn đề được thảo luận tại G21 tiềm năng trong tương lai.
Không giống như Liên minh châu Âu (EU) vốn là thành viên của G20, AU không phải là một cơ quan siêu quốc gia. Bởi vậy, AU không thể hình thành các chính sách và lập trường. Lập trường của AU được đưa ra thông qua sự đồng thuận. Có những lo ngại rằng một G20 lớn và đa dạng, với các cơ chế mang tính thể chế yếu kém, có thể trở nên cồng kềnh.
Khi xem xét đến tương lai của G20, điều quan trọng cần lưu ý là diễn đàn này không xa lạ gì với các cuộc khủng hoảng và quá trình phát triển. Quả thực, G20 nổi lên để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 và mở rộng thành hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Diễn đàn này đã đem lại cho các chính phủ công cụ, qua đó phối hợp phản ứng của họ và phát triển các kế hoạch hành động giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng.
Điều đó nói lên rằng những sự chia rẽ địa chính trị đương thời, cũng như sự cạnh tranh chiến lược về kinh tế và công nghệ đã trở nên gay gắt đến mức làm cho việc hình thành một sự đồng thuận như vậy trở nên khó khăn. Những vấn đề này tạo ra những lo ngại về khả năng G20 có thể đưa ra được các thông cáo chung đồng thuận và các tuyên bố chung thực chất. Ngoài ra còn có những thay đổi rộng lớn hơn sẽ ngày càng tác động đến mục tiêu của G20 và chức năng hoạt động của tổ chức này.
Khi G20 chuyển thành hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo vào năm 2008, một phần đáng kể của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đến từ thế giới phát triển. Các nước đang phát triển chỉ đóng góp 20% vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng kể từ đó đến nay, phần của thế giới phát triển liên tục suy giảm trong khi phần của các thị trường mới nổi đã tăng lên một cách đều đặn. Ví dụ, các dự báo của IMF chỉ ra rằng 80% tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới sẽ đến từ các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cấu trúc tài chính toàn cầu không phù hợp với một thực tế như vậy. Những thay đổi trong trạng thái cân bằng kinh tế toàn cầu cũng trở nên rõ ràng từ thực tế là nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp giảm sự phụ thuộc của họ vào đồng USD như một phương tiện trao đổi. Một sự sắp xếp lại kinh tế như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của G20 và khiến nhóm này phải đối mặt với những thách thức mới.
* Những thách thức
Nhìn về phía trước, tính thích đáng trong tương lai của G20 phụ thuộc vào việc nhóm này sẽ phản ứng như thế nào trước các cuộc khủng hoảng kinh tế, khí hậu và địa chính trị đang diễn ra trên thế giới. Liệu tổ chức này có thể được coi là một thể chế mang tính đại diện hơn hay không? Ở một cấp độ nào đó, G20 cần nghiêm túc chấp nhận sự cần thiết phải có thỏa thuận dưới hình thức nào đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các thỏa thuận sắp xếp lại các khoản nợ phù hợp với điều kiện của các quốc gia cụ thể đang gặp phải nợ nần.
Một cuộc cải cách có phối hợp giữa các ngân hàng đa phương và điều chỉnh cơ cấu vốn của các thể chế tài chính quốc tế là trọng tâm để đạt được mục tiêu này. Có lẽ thỏa thuận được nhất trí gần đây giữa Zambia và các chủ nợ - bao gồm Trung Quốc, Pháp, Anh và Ấn Độ - tái cơ cấu các khoản vay trị giá 6,3 tỷ USD của nước này có thể đem lại nguồn cảm hứng và mô hình cho việc tái cấu trúc nợ tiếp theo.
Cuộc khủng hoảng khí hậu là một lĩnh vực quan trọng khác mà G20 cần thể hiện vai trò lãnh đạo. Tại COP 2009 tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch), các quốc gia phát triển đã cam kết huy động 100 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2020, để giúp đỡ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh của họ. Tuy nhiên, những đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy các quốc gia phát triển đã không đạt được mục tiêu này.
Ngoài ra, khi các nước đang phát triển tiếp cận những khoản vay từ các ngân hàng phát triển, họ đã phải trả lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất thị trường. Bởi vậy, trên thực tế, thế giới đang phát triển phải chi trả nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi xanh của mình so với thế giới phát triển. Để đảm bảo tính thích đáng của mình, G20 cần dẫn đầu trong việc cải tổ cơ cấu tài chính hiện có, tập trung vào quá trình chuyển đổi xanh. Khi các câu hỏi được đặt ra về tính hiệu quả của nhiều thể chế đa phương, tầm quan trọng liên tục của G20 sẽ phụ thuộc vào khả năng của nhóm này trong việc mở rộng chương trình nghị sự của mình, cải cách các cơ chế thể chế và hình thành sự đồng thuận về sự cần thiết phải có các cơ chế và cách tiếp cận tài chính mới.
Xét về khía cạnh nói trên, việc đưa tiếng nói của các quốc gia phát triển vào các cuộc thảo luận tại G20 có thể đóng vai trò then chốt. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì G20 đang được chủ trì bởi hàng loạt quốc gia đang phát triển. Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ tịch từ Indonesia và sẽ chuyển giao vai trò này cho Brazil, sau đó sẽ lại được Nam Phi tiếp nối. Các nhiệm kỳ chủ tịch nối tiếp nhau của các nước đang phát triển có thể sẽ chứng kiến sự thúc đẩy liên tục cho một hệ thống toàn cầu mang tính bao trùm hơn./.