Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận về thách thức của kinh tế toàn cầu

Từ ngày 27-29/6, Hội nghị Thượng đỉnh G20 chính thức diễn ra tại thành phố Osaka, Nhật Bản,dự kiến có 4 phiên thảo luận, trong đó tập trung thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 - 1998, họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Thành viên G20 gồm: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia), BRIC (Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU. Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận nhiều vấn đề kinh tế toàn cầu quan trọng

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận nhiều vấn đề kinh tế toàn cầu quan trọng

Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Đến nay, G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu và thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng định G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ năm được tổ chức từ ngày 11 - 12/11/2010 tại Hàn Quốc. Tại các Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như biến đổi khí hậu, thương mại, phát triển…

Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Tháng 12/2016, Việt Nam đã cử đoàn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính – Ngân hàng Trung ương G20, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Y tế, Lao động, Số hóa, Nông nghiệp, các Hội nghị cấp Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, Hội nghị Quan chức cao cấp và các cuộc họp nhóm công tác quan trọng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017, Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm qua, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột thương mại Mỹ, Trung Quốc leo thang căng thẳng trở lại, nhiều điểm nóng địa chính trị diễn biến phức tạp. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy, nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn, đang tìm hướng cải cách để thích ứng với bối cảnh mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.

Bộ Ngoại giao cho biết, nội dung nghị sự G20 những năm gần đây mở rộng nhiều lĩnh vực (tài chính, thương mại, đầu tư, lao động, xã hội, môi trường, công nghệ…), nhưng việc đạt đồng thuận trong một số vấn đề kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại, chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 dự kiến có 4 phiên thảo luận, với chủ đề: Về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư: Hợp tác xử lý các rủi ro, thách thức kinh tế toàn cầu (mất cân đối, già hóa…); quản lý nợ bền vững và minh bạch, thúc đẩy tài chính bao trùm; tự do hóa thương mại, hệ thống thương mại đa phương, cải cách WTO; đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao…; Về đổi mới sáng tạo và kinh tế số: Tiến trình số hóa, thúc đẩy khái niệm “Lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm tin cậy”, xử lý các vấn đề kinh tế- xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0, đổi mới công nghệ như thương mại điện tử, an ninh và an toàn thông tin trong kinh tế số… Về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế: Thực hiện Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; ứng phó với già hóa dân số; bình đẳng giới; thích ứng lao động với việc làm tương lai; thúc đẩy phụ nữ tham gia lao động; đào tạo lao động nữ; thúc đẩy phổ cập y tế toàn dân (UHC)… Về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu: Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng; tranh thủ công nghệ mới trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa đại dương…

Với tư cách khách mời, đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g20-tap-trung-thao-luan-ve-thach-thuc-cua-kinh-te-toan-cau-121614.html