Hội nghị Thượng đỉnh GCC: Nỗ lực giảm khủng hoảng vùng Vịnh
Trong những ngày cuối năm 2019, hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đang diễn ra theo chiều hướng tích cực khi các quốc gia liên quan đẩy mạnh ngoại giao con thoi cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 10-12, sáu quốc gia thành viên đã đưa ra các quyết định mang tính xây dựng nhằm hợp tác bổ sung, tăng cường sự gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau.
Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã thống nhất thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên.
Theo nhận định của các nhà bình luận, tín hiệu tích cực phát đi từ Hội nghị Thượng đỉnh GCC mở đầu cho giai đoạn “dễ thở” hơn trong quan hệ giữa các quốc gia bên bờ biển Persian. Việc các nước Ả rập, do Saudi Arabia dẫn đầu thực hiện chiến dịch trừng phạt Qatar cách đây hơn 2 năm với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo đối lập, tài trợ cho khủng bố... chỉ là hiện tượng "giọt nước tràn ly".
Từ lâu, giữa Doha với những người láng giềng vốn tồn tại khá nhiều mâu thuẫn. Là quốc gia khiêm tốn về diện tích và dân số, Qatar giàu có nhờ trữ lượng dầu mỏ, khí đốt phong phú, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân gần 75.000 USD/người.
Với tiềm lực đó, Qatar không chấp nhận vị thế của nước nhỏ, thường tìm cách gia tăng tiếng nói trên nhiều diễn đàn của khu vực. Ngoài ra, Qatar có mối quan hệ thân thiết với Iran, một quốc gia được cho là “cái gai trong mắt” nhiều thành viên GCC.
Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy, chiến dịch “đóng băng” quan hệ của các quốc gia Ả rập đã không thu được kết quả như mong muốn. Ngoại trừ một số ngành như du lịch, vận tải hàng không bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân Qatar vẫn diễn ra bình thường như không hề có cuộc khủng hoảng dù bị ngăn chặn tất cả các tuyến giao thông bằng đường bộ, đường biển và đường không.
Theo Yasemin Engin, một nhà kinh tế tại Quỹ Đầu tư Capital Economics, do có nguồn lực tài chính dồi dào, các ngân hàng của Qatar có tiềm lực để đối phó với bất kỳ cú sốc nào. Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar Petroleum là nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Qatar có vị trí cực kỳ quan trọng đối với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh. Đây là những quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Qatar để phát triển nền kinh tế. Ngay cả lưới điện của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng bị phụ thuộc bởi nguồn khí đốt từ Qatar.
Bên cạnh đó, đất nước nhỏ bé này đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách rút tiền mặt khỏi các quỹ dự trữ lớn, tăng cường liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhiều quốc gia ngoài khu vực.
Trong khi đó, sự chia rẽ của các thành viên GCC và cũng là đồng minh của Mỹ có nguy cơ ảnh hưởng mạnh mẽ tới các toan tính của Washington tại khu vực, nhất là trong kế hoạch làm suy yếu Iran. Vì thế, ngay từ khi khủng hoảng vùng Vịnh bùng phát, Nhà Trắng đã có nhiều động thái thúc đẩy sự gắn kết trở lại.
Các quốc gia chủ chốt của GCC như Bahrain, Saudi Arabia, UAE cũng đã phát đi thông điệp sẵn sàng cho một cuộc hòa giải. Bằng chứng là, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh GCC, sau phiên họp kín kéo dài gần 20 phút, các nước thành viên đã thống nhất một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác an ninh và quân sự, cũng như cam kết thiết lập một khối tài chính và tiền tệ vào năm 2025.
Hai nguồn tin thân cận với Saudi Arabia cho biết, phía Riyadh đã nới lỏng lập trường của nước này về danh sách 13 yêu cầu mà Qatar cần thực hiện để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt.
Mặc dù, các nước Ả rập vùng Vịnh đều theo đuổi những tham vọng khác nhau và sẽ không có nước nào muốn từ bỏ lợi ích chiến lược của mình nhưng trong bối cảnh những thách thức an ninh của khu vực đang lớn dần, việc các bên bỏ qua bất đồng để hướng tới mục tiêu chung là vô cùng cần thiết.