Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung: Kỳ vọng tránh xung đột
Hôm nay 15-11, Trung Quốc và Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh để chia sẻ quan điểm về quan hệ song phương. Giới phân tích cả Trung Quốc lẫn Mỹ nhận định, dù cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden khó đạt đột phá, nhưng vẫn kỳ vọng giảm căng thẳng, tránh xung đột.
Ý nghĩa với nhiều bên
Tân Hoa xã ngày 14-11 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh xác nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.
Trong thông báo, bà Hoa Xuân Oánh cho biết tại hội nghị thượng đỉnh này, lãnh đạo 2 nước sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề song phương và quốc tế quan trọng. Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương trực tuyến vào tối 15-11.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Ông Vương Nghị cho biết, cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước có ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ Trung - Mỹ mà cả các quan hệ quốc tế. Ông Vương Nghị kêu gọi hai bên phối hợp để đảm bảo cuộc gặp diễn ra suôn sẻ và thành công.
Về phần mình, ông A.Blinken cho biết thế giới đang chờ theo dõi cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước. Theo ông, phía Mỹ mong muốn chia sẻ quan điểm về quan hệ song phương với phía Trung Quốc tại cuộc gặp tới trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng gửi một thông điệp mạnh đến thế giới.
Kênh liên lạc hữu hiệu
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, gặp trực tiếp chắc chắn tốt hơn họp trực tuyến, bởi các lãnh đạo sẽ có nhiều tương tác với nhau hơn, trao đổi quan điểm nhiều hơn. Tuy nhiên, Giáo sư Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc, lập luận rằng, dù tương tác trực tiếp thường được ưu tiên hơn, nhưng cuộc họp thượng đỉnh này có thể khác biệt, do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Đôi khi gặp mặt trực tiếp có thể phản tác dụng. Hai cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump từng gặp ông Tập nhiều lần, nhưng các cuộc họp không mang lại kết quả tốt, thậm chí còn xấu hơn”, Giáo sư Thời Ân Hoằng phân tích.
“Hiệu quả của một cuộc gặp trực tiếp thực sự phụ thuộc vào mức độ tin tưởng và sẵn sàng giải quyết từ hai phía. Tổng thống J.Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau hồi tháng 6, nhưng quan hệ Nga - Mỹ không có cải thiện đáng kể nào”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán Ngô Tân Bá nhận định tương tự.
Giới học giả của Mỹ cho rằng, bối cảnh cạnh tranh siêu cường, lãnh đạo Mỹ - Trung đều khó thực hiện những thay đổi cơ bản trong quan hệ song phương.
Giáo sư David Lampton, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ, cho biết: “Ông Tập cần thể hiện sự cứng rắn trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm sau, trong khi ông Biden cũng cần lá phiếu của những cử tri muốn cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ 2022 và bầu cử tổng thống 2024”. Vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh được xem là kênh liên lạc để hai lãnh đạo có thể kiềm chế khủng hoảng hoặc phòng trường hợp một cuộc khủng hoảng thực sự xuất hiện.
Nhà phân tích Neil Thomas thuộc nhóm tư vấn Eurasia Group của Mỹ đánh giá duy trì đối thoại cấp cao cũng rất quan trọng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này giúp hai bên hiểu rõ hơn về những khả năng hợp tác song phương và lập trường của đối phương trong các vấn đề mấu chốt, từ đó giảm khả năng tính toán sai lầm, có thể làm khủng hoảng leo thang hoặc thậm chí nổ ra xung đột.
Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phản đối kế hoạch nâng cao sản lượng chip của tập đoàn Intel tại Trung Quốc do lo ngại về vấn đề an ninh, qua đó bác bỏ đề xuất giải quyết tình trạng thiếu hụt chip ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-my-trung-ky-vong-tranh-xung-dot-775295.html