Hội nghị Thượng đỉnh Nam Bán cầu lần thứ ba: Ấn Độ đề xuất 'Hiệp ước Phát triển toàn cầu'

Phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam Bán cầu lần thứ ba do Ấn Độ tổ chức ngày 17.8, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia trong bối cảnh bất ổn gia tăng trên toàn thế giới; đồng thời đề xuất một 'Hiệp ước Phát triển toàn cầu' tập trung vào tăng trưởng bền vững mà không tạo gánh nặng nợ nần cho các quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu lần thứ ba ngày 17.8 diễn ra theo thình thức trực tuyến. Ảnh: PTI

Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu lần thứ ba ngày 17.8 diễn ra theo thình thức trực tuyến. Ảnh: PTI

Hiệp ước phát triển toàn cầu lấy con người làm trung tâm

Phát biểu tại hội nghị, trong khi bày tỏ lo ngại về nguy cơ bất ổn toàn cầu và thách thức do chiến tranh gây ra, bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi các nước Nam bán cầu đoàn kết, cùng có tiếng nói mạnh mẽ và trở thành một khối có sức mạnh thống nhất.

Sau khi lắng nghe các nhà lãnh đạo tham dự từ hơn 120 quốc gia, ông Modi đã đề xuất một “Hiệp ước phát triển toàn cầu lấy con người làm trung tâm, đa chiều cho phát triển và sẽ thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành. Ông lưu ý, hiệp ước sẽ không gây gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang cần vốn tài trợ phát triển, giúp các nước đối tác phát triển cân bằng và bền vững.

“Với Hiệp ước Phát triển này, chúng tôi sẽ tập trung vào thương mại để xây dựng năng lực cho tăng trưởng bền vững, chia sẻ công nghệ, tài chính ưu đãi và tài trợ cho dự án cụ thể. Để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, Ấn Độ sẽ khởi động một quỹ đặc biệt trị giá 2,5 triệu USD", ông cho biết.

Ông cũng cho biết Ấn Độ cam kết chia sẻ kinh nghiệm, năng lực của mình với các quốc gia Nam bán cầu và muốn thúc đẩy thương mại chung, tăng trưởng toàn diện, tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và phát triển do phụ nữ lãnh đạo. "Trong những năm gần đây, sự hợp tác chung của chúng ta đã được thúc đẩy thông qua kết nối cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và năng lượng. Chúng ta hãy học hỏi từ kinh nghiệm của nhau, chia sẻ năng lực của chúng ta, cùng nhau biến các quyết tâm của chúng ta thành thành công. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay để nhận được sự công nhận cho hai phần ba nhân loại", ông Modi nói, gọi sự thống nhất của Nam Bán cầu là “nhu cầu của thời đại”.

Tăng cường tiếng nói Nam bán cầu

Khẳng định mối quan ngại về các cuộc xung đột trên thế giới, ông Modi cho rằng, giải pháp cho những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào quản trị toàn cầu công bằng và toàn diện, các tổ chức ưu tiên cho Nam bán cầu, nơi các nước phát triển hoàn thành trách nhiệm của mình và thực hiện các bước để thu hẹp khoảng cách giữa Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Hội nghị thượng đỉnh về tương lai tại Liên Hợp Quốc vào tháng tới có thể là một cột mốc quan trọng nhằm giải quyết tất cả những vấn đề trên.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Modi đã nói rằng sự phân chia công nghệ và những thách thức kinh tế và xã hội mới liên quan đến công nghệ cũng đang nổi lên. Nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về nhu cầu cải cách Hội đồng Bảo an LHQ cùng các tổ chức tài chính và tổ chức toàn cầu khác, ông Modi cũng cho rằng, những tổ chức quốc tế hiện nay chưa đáp ứng được những thách thức của thế kỷ này.

"Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu là nền tảng nơi chúng ta có thể lên tiếng về nhu cầu và nguyện vọng của những người vẫn chưa được lắng nghe. Tôi tin rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở sự đoàn kết và các cuộc thảo luận đã đặt nền tảng cho việc hướng tới tương lai với sự hiểu biết lẫn nhau”.

Ấn Độ đã đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu lần thứ nhất vào tháng 1.2023, và lần thứ 2 vào tháng 11.2023, cả hai đều theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị thương đỉnh lần thứ ba do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì đã diễn ra trong ngày 17.8 với sự tham dự của gần 120 lãnh đạo quốc gia thuộc khu vực Nam Bán cầu, trong đó có cả lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh, ông Muhammad Yunus.

Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề "Nam Bán cầu được trao quyền cho một tương lai bền vững" nhằm mở rộng các cuộc thảo luận về những vấn đề toàn cầu cấp bách, ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia đang phát triển. Sự kiện này phù hợp với triết lý “Thế giới là một gia đình” của Ấn Độ và tầm nhìn của Thủ tướng Modi về tiến bộ chung toàn cầu.

Quỳnh Vũ (Theo Times of Indina)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-thuong-dinh-nam-ban-cau-lan-thu-ba-an-do-de-xuat-hiep-uoc-phat-trien-toan-cau-i384560/