Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon lần đầu tiên được tổ chức
Trong 2 ngày 8 và 9/8, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon lần đầu tiên diễn ra ở thành phố Belem, miền Bắc Brazil, với sự tham gia của 8 quốc gia là Bolivia, Brazil, Columbia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ những thách thức cấp bách đối với hệ sinh thái được coi là quan trọng nhất thế giới - rừng nhiệt đới Amazon.
RỪNG AMAZON VẪN BỊ ĐE DỌA
Trong những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn chặt cây, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc… Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh học. Theo số liệu mới công bố, trong tháng 7 vừa qua, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 500 km2 rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng nhiệt đới.
NỖ LỰC BẢO VỆ RỪNG AMAZON
Trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon, 8 quốc gia khu vực Nam Mỹ đã nhất trí thành lập liên minh chống phá rừng ở Amazon. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua "chương trình nghị sự chung mới và đầy tham vọng", trong đó vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, chống tội phạm có tổ chức. Tuyên bố cũng khẳng định các quyền của người bản địa, đồng thời nhất trí hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, sức khỏe, quan điểm đàm phán chung tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hội nghị vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ nhất của các nhà môi trường và các nhóm bản địa, trong đó có yêu cầu tất cả các nước thành viên nhất trí và làm theo cam kết của Brazil chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hay như đề xuất của Colombia yêu cầu ngừng tất cả hoạt động thăm dò và khai thác dầu mới.
Q.T