Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có thể không thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung

Trung Quốc và Mỹ có thể đã bày tỏ sự sẵn sàng làm việc cùng nhau về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng có thể không đạt được những tiến bộ cần thiết nhằm giảm thiểu căng thẳng trong mối quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Bài liên quan

Australia bác bỏ 2 dự án Vành đai con đường, Trung Quốc cảnh báo

Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật nhắm đến kiềm chế Trung Quốc

Mỹ ủng hộ các kế hoạch Fukushima của Nhật, bất chấp Hàn Quốc, Trung Quốc lo ngại

Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản và Mỹ ra tuyên bố chung về Đài Loan

Ngay khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do người đồng cấp Mỹ Joe Biden chủ trì vào thứ Năm (22/4), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ủng hộ Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021, một dự luật nhắm vào Trung Quốc.

Dự kiến luật sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Thượng viện, bao gồm các sửa đổi như tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022, bởi các quan chức Mỹ và giải quyết sự cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách huy động kinh phí phát triển quốc tế và làm việc với các đồng minh và tổ chức quốc tế.

Các mối quan hệ song phương đã xấu đi dưới thời ông Donald Trump và hiện đang ở trong tình trạng lấp lửng sau ba tháng đầu tiên của chính quyền mới.

Chính quyền ông Biden luôn đặc tả mối quan hệ là “cạnh tranh” và hai nước tiếp tục bất đồng về thương mại, nhân quyền, an ninh mạng và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Điều này xảy ra bất chấp việc cả hai bên đều nói rằng họ sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu và vũ khí hạt nhân, sau các cuộc đàm phán cấp cao ở Alaska vào tháng trước.

Ông Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết ông nghi ngờ đi kèm với hợp tác vẫn là tính cạnh tranh trong nhiều vấn đề.

Ông Liu nói: “Rõ ràng là không bên nào có nhiều niềm tin vào sự hợp tác với đối phương. Ngay cả khi có hợp tác, không có nghĩa là quan hệ song phương có thể được cải thiện. Hợp tác và cạnh tranh sẽ song hành, vì vậy chúng ta không thể mong đợi một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ Trung-Mỹ ”.

Ông nói rằng ngay cả về biến đổi khí hậu, song phương cũng có những khác biệt đáng kể. Ông John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Mỹ, tuần trước đã đến thăm Thượng Hải để thảo luận với các đối tác Trung Quốc, nhưng dường như không có ý muốn quảng bá chuyến đi và không có tuyên bố nào được đưa ra sau đó.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu - Ảnh: Nhà Trắng

Tuy nhiên, ông Liu nói rằng lợi ích của mỗi bên vẫn là cho cả thế giới và người dân trong nước thấy rằng họ có khả năng hợp tác. Ông nói: “Cơ hội hợp tác rất hữu ích để giữ cho chủ nghĩa dân tộc cường điệu ở cả hai quốc gia nằm trong tầm kiểm soát, vì vậy các chính sách công gần như sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này".

Ông Ren Xiao, giám đốc Trung tâm Chính sách Đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải, cho biết tiềm năng hợp tác bị hạn chế do Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của mình.

Ông Ren nói: “Mặc dù các lĩnh vực hợp tác vượt ra ngoài khí hậu, nhưng vấn đề là Mỹ nhắm vào Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất của mình. Trung Quốc không tìm cách vượt qua Mỹ. Các quốc gia cần có mối quan hệ cộng sinh ”.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hàng năm, ông Tập cho biết trong bài phát biểu tuần này rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ”, được xem như một nhận xét gián tiếp về cách tiếp cận của Mỹ.

Washington và Bắc Kinh vẫn lo lắng về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với việc cả hai bên tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Sáng kiến Kiểm tra Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết hôm thứ Ba (20/4) rằng máy bay do thám của Mỹ tuần trước đã tuần tra bờ biển phía nam Trung Quốc trước khi tiến về quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Nhật Bản và Mỹ tuần trước đã đưa ra một tuyên bố chung đề cập đến Đài Loan và coi Trung Quốc là một đối thủ địa chính trị, điều mà Bắc Kinh mô tả là một nỗ lực để "gieo rắc sự chia rẽ".

Ông Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho biết chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc vẫn đang được hình thành và ông tin rằng ông Biden sẽ cố gắng quản lý xung đột thông qua ngoại giao.

“Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ông Biden, bao gồm dự luật mới nhất và áp lực từ những người ủng hộ Trump”, ông Wang nói và thêm rằng: "Điều quan trọng nhất đối với cả hai bên là thống nhất rằng không nên đối đầu trực tiếp hoặc bùng nổ chiến tranh".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-ve-khi-hau-co-the-khong-thay-doi-moi-quan-he-my-trung-post129540.html