Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sáng 16.10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Dự hội nghị tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đơn vị trực thuộc Bộ và đại diện một số bộ, ngành T.Ư. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện các ban HĐND tỉnh và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về điểm mới của Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2020. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung gồm một số điểm mới như: Bổ sung VBQPPL vào hệ thống VBQPPL. Cụ thể, bổ sung hai loại VBQPPL sau: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Thứ hai là sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL. Theo đó, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương; 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh; 7 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.

Thứ ba là mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện/xã. Thứ 4 bổ sung trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn. Thứ 5 là VBQPPL có thể bị đình chỉ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước khác. Thứ 6 là VBQPPL đã ban hành vẫn có thể tiếp tục áp dụng dù quy định khác với VBQPPL mới. Điểm mới thứ 7 là bổ sung trách nhiệm của hội đồng dân tộc trong thẩm tra một số dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết…

Ngoài ra, Luật Ban hành VBQPPL còn nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật năm 2015 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước các cấp chính quyền. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp giải đáp vướng mắc, giúp các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan nắm vững nội dung của Luật để áp dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới.

Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202010/hoi-nghi-trien-khai-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-766629/