Hội nghị triển khai văn bản mới về dân vận ở miền núi phía bắc
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP, giao Ủy ban dân tộc và các bộ ngành, địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ngày 5/6, tại Hòa Bình, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới năm 2019, 2020 của Đảng liên quan đến công tác dân vận khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré, cùng đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, ban, ngành 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc đã triển khai các văn bản gồm Chỉ thị số 39-CT-TW, ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Thông báo số 158-TB/TW, ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới; Thông báo số 160-TB/TW ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú.
Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến quán triệt Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, thời gian qua, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thống kê cho thấy, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 98,4% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia, có trường tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020, giao Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đã báo cáo kết quả công tác dân vận. Theo đó, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ,” các địa phương đều đạt kết quả tốt trong công tác dân vận. Nhờ vậy công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội đã phát triển tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Các đại biểu cũng đánh giá cao và ủng hộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2020.
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc ban hành các văn bản mới của Đảng về công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng, tạo thuận lợi để cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào đời sống người dân.
Thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản mới của Đảng về công tác dân vận để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, tham gia thực hiện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng đổi mới phương thức công tác làm dân vận ở các cấp, tăng cường tính bình đẳng, công bằng để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc từ trong nhân dân; đặt mục tiêu chất lượng cuộc sống của người dân tăng lên, tỷ lệ nghèo giảm xuống, để đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn... qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.