Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Ngày 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 địa phương. Đây là kỳ họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 884/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm sau đây: Đường Hồ Chí Minh; Các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Đông; Bến Lức - Long Thành; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nước ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, tập trung vào các công trình giao thông liên vùng, liên tỉnh.

Thủ tướng cho biết, hiện nay vốn dành cho các công trình giao thông rất tập trung do giảm số lượng các dự án nhỏ lẻ, tập trung cho các công trình, dự án lớn; huy động được nhiều nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, nguồn vốn trung hạn, nguồn vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, hầu hết các vùng, miền từ Bắc tới Nam đều có các công trình giao thông trọng điểm.

Đại hội XIII đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km cao tốc.Do đó, nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 là rất nặng nề. Trong khi tiến độ thực hiện các dự án còn chậm do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy cần phải có nhiều biện pháp tổng hợp nhằm phát huy thành tựu, kinh nghiệm; khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế; xử lý kịp thời phát sinh mới để thúc đẩy đầu tư, xây dựng các công trình.

Do khối lượng công việc rất lớn, liên quan nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo chức danh quy định, cố gắng dành thời gian, công sức, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo.Đồng thời đềnghị Ban Chỉ đạo thống nhất tư tưởng, hành động; thống nhất quy chế làm việc, trên tinh thần "không hình thức mà phải hiệu quả, thực chất" phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm của các thành viên; phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng từ Trung ương tới địa phương; với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; vì dân, vì nước, vì mục tiêu mà Đảng đã đề ra.

Hội nghị đã nghe Bộ Giao thông và Vận tải báo cáo tổng hợp tiến độ các dự án, dự án thành phần do Bộ làm cơ quan chủ quản và các dự án, dự án thành phần do các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản.

Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương có công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã báo cáo nhanh tình hình triển khai, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc: tiến độ giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo tiến độ; nguồn cung vật liệu đắp nền còn hạn chế; giá nguyên, nhiên vật liệu có biến động lớn; năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thẩu thi công xây dựng còn hạn chế....Trên cơ sở đó các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị cụ thể các nội dung có liên quan.

Hồng Giang - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-ban-chi-dao-nha-nuoc-cac-cong-trinh-du/d20220810141220241.htm