Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây với thị trường nước ngoài tiềm năng
Chiều 8.10, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của HTX với thị trường nước ngoài tiềm năng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại biểu tại hơn 300 điểm cầu trong nước và quốc tế. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, đại diện một số HTX trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Liên minh HTX một số tỉnh giới thiệu về tiềm năng sản phẩm trái cây đặc sản; nghe Tham tán Thương mại các nước Anh, Ấn Độ, Australia, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc chia sẻ thông tin về thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường xuất khẩu trái cây; giao thương giữa HTX sản xuất trái cây, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây với các Tham tán; giải đáp về thị trường; giao thương giữa doanh nghiệp xuất khẩu tại nước ngoài với các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, các doanh nghiệp của Hiệp hội trái cây Việt Nam.
Theo số liệu, hiện toàn quốc có 1,14 triệu ha diện tích cây ăn quả, với tổng sản lượng đạt 1,6 triệu tấn/năm. Một số loại cây ăn quả có tiềm năng như: Thanh long, xoài, chuối, dứa, nho, bơ, cam, bưởi, nhãn,… của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan,...; đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP.
Tại tỉnh ta, cây cam được xác định là loại trái cây chủ lực, trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Niên vụ 2021 - 2022, tổng diện tích cam cho thu hoạch là 7.760 ha, sản lượng đạt 77.810 tấn. Trong đó, cam sành chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn, cam vàng ước đạt 19.280 tấn. Nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã giao các ngành chuyên môn thực hiện hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, thông qua các hình thức: Tiêu thụ tại các chợ đầu mối các tỉnh, thành phố; thông qua các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như Aeon, Vinmart, SaiGon Coop,... Đặc biệt, đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Postmart, Shopee và kinh doanh trên nền tảng online.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, từng bước đưa sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm cam Hà Giang nói riêng ra thị trường.