Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường
Sáng 29-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để thảo luận, góp ý đối với Dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ TN&MT chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì.
Dự án sửa đổi Luật BVMT gồm có 16 chương, 192 Điều, trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, BVMT như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật BVMT 2014. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch. Bộ TN&MT cho biết, Luật BVMT hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội (theo khảo sát của PAPI có 73,70 số người được hỏi ủng hộ quan điểm đặt yêu cầu BVMT song hành với phát triển kinh tế). Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần. Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT như: Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường; các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước… Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về BVMT, xây dựng hệ thống chính sách BVMT đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.
Tại hội nghị đại, diện các địa phương đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, lĩnh vực khí tưởng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật bảo vệ môi trường sửa đổi đã đặt môi trường trở thành vấn đề trung tâm trong phát triển của đất nước. Trong dự thảo lần này có nhiều chính sách với tư duy đổi mới, đặc biệt là có vai trò và tính pháp lý giúp các tỉnh, thành tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, những vấn đề có tính lâu dài, chiến lượ được quy định trong Dự thảo Luật khi được góp ý, tổng hợp sẽ tạo thuận lợi rất lớn để Bộ TN&MT làm cơ sở đóng góp vào Nghị quyết Đại hội của ngành trong những năm tới.