Hội nghị trực tuyến Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước
Sáng ngày 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 đã diễn ra hội nghị trực tuyến Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị. Cùng tham dự Phiên họp có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tham dự sự kiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên họp (Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Cụ thể, đã tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về ngoại giao kinh tế; đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện tốt chủ trương "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ" trong các hoạt động ngoại giao kinh tế; triển khai ngoại giao kinh tế có nhiều mặt được đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến
Đóng góp quan trọng vào các thành tựu chung của ngành ngoại giao, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Phiên họp toàn thể sẽ tập trung thảo luận hai vấn đề: Thứ nhất, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Phát biểu tham luận tại phiên họp, các đại biểu đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước, bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp đã nhấn mạnh triển vọng kinh tế thế giới, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; các tiêu chuẩn quy định mới của Liên minh Châu Âu về thương mại, đầu tư quốc tế, cơ hội và thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam; Triển vọng kinh tế Trung Quốc, các xu hướng điều chỉnh và tác động đến kinh tế Việt Nam; kinh nghiệm tranh thủ các hiệp định thương mai tự do ở các địa phương để “bứt tốc” xuất khẩu; Tiềm năng phát triển ngành công nghệp bán dẫn tại Việt Nam, vai trò của Ngành ngoại giao trong kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu; Triển khai hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ triển khai các đột phá chiến lược; Công tác ngoại giao kinh tế trong mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; Các yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam - Ảnh M Hùng
Có thể khẳng định, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay.
Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 FTA bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới.