Hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19
Sáng 26/4, Bộ Y tế và Bộ Công an đồng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án số 06 (Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến gần 11 nghìn điểm cầu trong cả nước. Dự tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình có đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, lãnh đạo một số bệnh viện tuyến tỉnh.
Tại các điểm cầu UBND các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn do lãnh đạo UBND các địa phương chủ trì điểm cầu, tham dự có Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện, cấp xã và lực lượng y tế, công an...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ về tính tất yếu của Đề án 06. Theo đó, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số, Xã hội số và nền Kinh tế số.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân cùng với ứng dụng VN-eID được ra đời là tiền đề để xây dựng Đề án 06.
Xác định rõ đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp được hưởng các tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua Định danh điện tử.
Tính đến ngày 25/4/2022, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên, trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin khoảng 205 triệu mũi tiêm, như vậy còn khoảng 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống. Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có CCCD/CMND, còn hơn 43 triệu mũi tiêm chưa đồng bộ vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia.
Việc xác thực thông tin cá nhân không chỉ phục vụ tiêm chủng COVID-19, cấp "hộ chiếu vắc xin" mà cả cho tương lai sau này, như trong vấn đề quản lý sức khỏe toàn dân. Đến năm 2025, 95% người dân phải được quản lý sức khỏe. Sau đó là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với ngành Y tế, như khám chữa bệnh không giấy tờ, bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh…
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế hướng dẫn triển khai ký xác nhận "Hộ chiếu vắc xin"; hướng dẫn Quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng COVID-19; đôn đốc việc bổ sung xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Đại diện của các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quán triệt cho các địa phương về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06, hướng tới cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; những lưu ý khi thực hiện dịch vụ công đối với từng ngành, lĩnh vực; cách thức phối hợp thực hiện giữa các lĩnh vực trong việc triển khai Đề án và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Tổ công tác thực hiện Đề án 06, ban hành quy chế phối hợp, đánh giá việc thực hiện, đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Với các bộ, ngành, cập nhật thông tin tiêm chủng trên Hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia.
Hiện còn 7,6 triệu mũi tiêm phòng COVID-19 chưa được cập nhật và ngày 15/5 phải hoàn thành việc này. Phải xác thực lại các thông tin bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Triển khai tiêm mũi 4 cho người dân, tiêm mũi 3 cho trẻ 12 đến 17 tuổi...