Hội nghị trực tuyến Sáng kiến Stockholm về giải trừ vũ khí hạt nhân
Sáng kiến Stockholm là cơ chế tham vấn của 16 nước không sở hữu vũ khí hạt nhân như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada và Indonesia nhằm tìm kiếm lập trường chung trong vấn đề giải trừ hạt nhân.
Ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Choi Jong-moon đã tham dự hội nghị trực tuyến Sáng kiến Stockholm về giải trừ vũ khí hạt nhân lần 4.
Theo Đài KBS, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Choi Jong-moon đã nhấn mạnh rằng các tổ chức quốc tế cần tăng cường nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) làm trọng tâm, nhằm đạt mục tiêu “thế giới không vũ khí hạt nhân.”
Ông Choi Jong-moon cũng đồng thời khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế trên nền tảng cơ chế Sáng kiến Stockholm.
Liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, Thứ trưởng Choi Jong-moon đã giới thiệu và giải thích về những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Tại hội nghị, các bên nhất trí cần nỗ lực không ngừng để thi hành “Đề xuất cụ thể nhằm đạt tiến bộ về giải trừ vũ khí hạt nhân” được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ hai vào tháng 2/2020, trong đó tập trung vào các nội dung chính bao gồm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân không sử dụng vũ khí hạt nhân, công nhận tính cần thiết của việc đạt được tiến triển trong giải trừ vũ khí hạt nhân; khả năng gia hạn và mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký kết giữa Mỹ và Nga; ủng hộ việc thành lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông.
Sáng kiến Stockholm là cơ chế tham vấn của 16 nước không sở hữu vũ khí hạt nhân như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada và Indonesia nhằm tìm kiếm lập trường chung trong vấn đề giải trừ hạt nhân.
Hội nghị lần này được tổ chức để thảo luận về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân và phương án tăng cường triển khai NPT trước thềm cuộc họp đánh giá kỷ niệm 50 năm hiệp ước này có hiệu lực, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2022 tới.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Stockholm lần thứ 3 liên quan đến NPT, được tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 1/6 vừa qua, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong hiệp ước nói trên, hướng tới mục tiêu "vì một thế giới không vũ khí hạt nhân."
Bà Kang Kyung-hwa cũng khẳng định sự cần thiết của việc tìm kiếm phương án giúp đạt được tiến triển hiệu quả trong giải trừ hạt nhân, cân nhắc đến môi trường an ninh quốc tế.
Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện đa dạng các dự án thanh niên nhằm phổ biến cho thế hệ tương lai về tầm quan trọng của NPT./.