Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Sáng 19/6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối từ điểm cầu hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 63 điểm cầu các tỉnh, thành ủy trong cả nước.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đồng chí Thường trực BCĐ chủ trì hội nghị. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tháng 5/2022, hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh. Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ cấp tỉnh. Sau hai tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương, 63/63 BCĐ tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập.

Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc ban đầu nhưng các BCĐ cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được đúc rút qua tổng kết 10 năm hoạt động của BCĐ Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết, vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây; quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Hoạt động của BCĐ cấp tỉnh trong 1 năm qua đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây.

Theo thống kê, kể từ khi các BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đi vào hoạt động đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.

Việc thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được coi là dấu mốc quan trọng cho thấy hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta đã được hoàn thiện thêm một bước mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định: Sau một năm thành lập, BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, bài bản, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao; khẳng định việc thành lập BCĐ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Đây cũng là cơ sở để tổng kết, đúc rút thành lý luận trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Chỉ ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, hạn chế cũng như những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Nghiêm túc, thẳng thắn, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ. Trong đó cần quán triệt nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của BCĐ; hoạt động của BCĐ phải hết sức khoa học, bài bản, chặt chẽ, nền nếp có kết quả rõ ràng, tránh phô trương, hình thức.

Các thành viên BCĐ cấp tỉnh phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, đem lại kết quả rõ ràng hơn, thiết thực hơn trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương; BCĐ Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, không làm thay BCĐ cấp tỉnh. Tiếp tục lãnh đạo, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, tính tiền phong gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên, cán bộ giữ cương vị càng cao thì càng phải gương mẫu; chỉ đạo khắc phục nhanh tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phát hiện, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử, xử lý nghiêm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là vụ án, vụ việc BCĐ cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và BCĐ Trung ương chỉ đạo với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ…".

Phát huy vai trò, trách nhiệm của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thường xuyên quan tâm, kiện toàn BCĐ, kịp thời thay thế những vị trí không đáp ứng yêu cầu. Thành viên BCĐ phải thực sự là những người liêm chính, trong sạch, gương mẫu, có bản lĩnh, có dũng khí chống tham nhũng, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, dám nói, dám làm vì lợi ích chung…

Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực toàn tâm, toàn ý thực hiện công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đem lại niềm tin trong nhân dân.

Mai Lan - Đức Lam - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-so-ket-1-nam-hoat-dong-cua-ban-chi-dao/d20230619133553.htm