Hội nghị trực tuyến Thủ tướng đối thoại với nông dân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới'.
Sáng 31.12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam bằng hình thức trực tuyến đã diễn ra tại nhiều nơi, trong đó có điểm cầu Hội trường UBND tỉnh An Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên.
Đây là diễn đàn để Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo ban bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Qua 5 lần tổ chức hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.
Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
“Hội nghị đối thoại được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn trong khi năm qua đầy khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai nặng nề trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo Bộ Chính trị sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vượt xa so với mục tiêu. Lần đầu tiên xuất khẩu vượt 62 tỉ USD”, ông Đoàn nói.
Cũng theo ông Đoàn, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như chuyên mục “Lắng nghe nông dân”, còn qua báo cáo của các tỉnh thành.
Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng Bộ TN-MT tổ chức hai diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11 năm 2024. Đồng thời, tại 63 tỉnh thành, các hội nghị Chủ tịch UBND địa phương đối thoại với nông dân đã được tổ chức rộng rãi.
Phát biểu định hướng và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp đạt được những thành công rất đáng mừng, đáng tự hào khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục 62,5 tỉ USD, trong khi năm ngoái Thủ tướng chỉ giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp 55 tỉ USD. Kết quả này có sự đóng góp rất của nông dân cả nước, khẳng định vai trò, vị thế của nông dân trong phát triển kinh tế chung của đất nước.
“Tôi rất cảm ơn bà con cũng như các cán bộ làm việc trong lĩnh vực nông dân nông thôn đã cùng cố gắng, góp phần vào thành công trên của ngành nông nghiệp. Cũng nhân dịp cuối năm, chuẩn bị đón năm mới, tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe đến toàn thể các vị lãnh đạo và bà con nông dân.
Chủ đề của hội nghị năm nay đã bám sát đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước, đó là khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới. Đây là chủ đề rất thiết thực, đề nghị các đại biểu bám sát và tập trung thảo luận đúng trọng tâm, trọng điểm.
Tôi rất vui mừng được biết, dù là ngày cuối cùng của năm, nhưng hội nghị có sự tham dự của đầy đủ các đại biểu cả trực tiếp và tại các điểm cầu với hơn 4.500 đại biểu, trong đó có khoảng gần 2.000 bà con nông dân và đại diện các hợp tác xã.
Tôi đề nghị, trong hội nghị hôm nay, các bác các anh chị có cảm xúc, ấn tượng gì về thành tựu nông nghiệp 2024, có trăn trở, băn khoăn gì để nâng cao đời sống; có góp ý gì cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp làm tốt hơn mục tiêu xây dựng nông nghiệp nông thôn... chúng ta ở đây là để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay những bài học quý.
Ngoài ra, bất cứ chia sẻ, băn khoăn gì về các vấn đề khác thì các bác, các anh các chị cứ mạnh dạn nói ra để cùng nhau xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, nông dân cả nước đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến: Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải pháp xử lý rác thải, chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn; chăm lo đời sống, an sinh xã hội, công ăn việc làm… cho người dân khu vực nông thôn...
Tại điểm cầu An Giang, ông Lê Thanh Long (ngụ xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên) - nông dân xuất sắc tỉnh An Giang, có tổng diện tích sản xuất 80ha; doanh thu trên 8,9 tỉ đồng/năm; lợi nhuận trên 4,8 tỉ đồng/năm đã đặt câu hỏi với hội nghị, rằng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có giải pháp gì để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon theo hướng người nông dân có thể tham gia dễ dàng hơn.
Đặc biệt, đề án một triệu hecta lúa cần nguồn vốn rất lớn để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia, cũng như tổ chức lại chuỗi liên kết, nghiên cứu giống lúa phù hợp.
Với quan điểm “nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật, tránh hình thức”; để nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày một phát triển tốt hơn, trên tinh thần dân chủ cao, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với nông dân nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực.