Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Huy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Trên địa bàn tỉnh, hội nghị được kết nối đến 186 điểm cầu các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; các xã, phường, thị trấn với hơn 21.000 đại biểu tham dự.

Quán triệt Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân dựa trên những đóng góp thực tiễn và vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước; đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí xứng đáng.

Nghị quyết đã trao những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước; xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước. Tất cả các cơ chế, chính sách được xây dựng đều dựa trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; phục vụ, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tham gia vào các dự án lớn, các dự án mang tính chiến lược, các dự án quan trọng của quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong nghị quyết để phát triển kinh tế tư nhân.

Quán triệt Nghị quyết 66/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng và thi hành pháp luật là đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bám sát thực tiễn trong xây dựng pháp luật, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ, phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất. Cùng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57); về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59), Nghị quyết 66 và 68 của Bộ Chính trị là “bộ tứ” chiến lược, trụ cột để kinh tế đất nước cất cánh, nền tảng để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới từ quản lý sang phục vụ, từ bảo hộ sang cạnh tranh sáng tạo, từ hội nhập bị động sang hội nhập chủ động, từ cải cách phân tán sang đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị toàn hệ thống chính trị tập trung hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể; khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai các nghị quyết; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã ban hành.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128476//hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-quan-triet-va-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-66-va-nghi-quyet-68-cua-bo-chinh-tri