Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp
Ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, với sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Báo Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của bộ, ngành tư pháp đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả; tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ việc ở cơ sở đạt mức cao… Những kết quả trên đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
6 tháng đầu năm 2022, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 94 nhiệm vụ và đã hoàn thành 63 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 31 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, hơn 1.300 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và gần 500 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và gần 2.220 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức gần 275.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người, tổ chức gần 3.000 cuộc thi với gần 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hòa giải ở cơ sở, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng… được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; hồ sơ, dự án luật trình cơ quan có thẩm quyền chưa đảm bảo tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị bộ, ngành tư pháp cần thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa những định hướng, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến lĩnh vực công tác của bộ, ngành tư pháp. Đồng thời, thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác rà soát, thẩm định, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; triển khai hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật…