Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW
Sáng nay 19/12, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng: đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức Trung ương; Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần thiết thực trong giữ gìn ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL, bảo đảm ngày càng nền nếp, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ngày 09/12/2003, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị 32), trong đó đã khẳng định PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời công tác PBGDPL là một nội dung của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Thời gian qua, Ban Bí thư đã chỉ đạo việc sơ kết 03 năm (năm 2007) và tổng kết 07 năm thực hiện Chỉ thị số 32 (năm 2011). Kết quả sơ kết, tổng kết của giai đoạn trước đã khẳng định nhiều kết quả tích cực, đồng thời đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 32.
Đến thời điểm hiện nay, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, để có một cách nhìn toàn diện, sâu sắc về những tồn tại, hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm của cả chặng đường 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32, từ đó xác định chính xác, đầy đủ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này trong giai đoạn mới, việc tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, việc tổng kết Chỉ thị số 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả tổng kết sẽ góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 trên phạm vi toàn quốc. Ở Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch hướng dẫn tổng kết. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã tiến hành tổng kết và gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở kết quả của bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, Ban Chỉ đạo đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết để trình Ban Bí thư.
Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn để cho ý kiến, trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế; phân tích, nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra từ đó đề xuất định hướng, nhiệm vụ nhằm tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL trong thời gian tới, bảo đảm cho công tác này ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, với những kết quả nội bật cũng như chỉ rõ tồn tại hạn chế và giải pháp trong thời gian tới.