Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023
Chiều 29/12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 đã được tổ chức tại Hà Nội và các điểm cầu tại các tỉnh thành ngành trong cả nước.
Tại đầu cầu Hà Nội, hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ, lãnh đạo các bộ ngành liên quan.
Tại đầu cầu Lâm Đồng, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; lãnh đạo Sở Nội vụ Lâm Đồng, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh, Trưởng phòng Nội vụ 12 huyện thành phố của tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2022 vừa qua, toàn ngành Nội vụ đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được cấp có thẩm quyền giao; đổi mới phương pháp lãnh đạo và điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông các quy định pháp luật với các quy định của Đảng.
Ngành đã tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; đề xuất giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ/ban, 22 đơn vị sự nghiệp công lập và nhiều tổ chức, đơn vị ở địa phương. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiêm túc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành cũng có nhiều đổi mới trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá bảo đảm thống nhất với quy định của Đảng. Ngành cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nữ cho chính quyền địa phương ở nước ngoài, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan nhà nước các cấp gắn với thực hiện văn hóa công vụ.
Công tác xây dựng chính quyền địa phương được chú trọng, ngành đang xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trình các cấp có thẩm quyền; tiếp tục thực hiện việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình nhằm góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa.
Công tác cải cách hành chính đã được ngành triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được đổi mới, hướng đến thực chất, bảo đảm biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, ưu tiên đối tượng lao động
trực tiếp. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được duy trì ổn định, tuân thủ pháp luật; chủ động nắm tình hình, hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng, phương châm hành đạo và đồng hành cùng dân tộc. Công tác văn thư, lưu trữ cũng ngày càng được đổi mới làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành; đẩy mạnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ thông qua các hoạt động triển lãm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ, công tác thanh niên, thanh tra, pháp chế... ngành cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, bảo đảm kỷ cương, pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2022, ngành Nội vụ cũng cần khắc phục những hạn chế trong thời gian tới. Đó là tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc trong ngành y tế, giáo dục; việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng, nhưng chưa gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ làm việc ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận công chức,viên chức chưa thực sự nghiêm túc.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Nội vụ trong năm qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước. Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu trong thời gian tới, ngành cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nội vụ; đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất; xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030; đổi mới mạnh mẽ, thực chất công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và toàn dân đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Ngành cũng cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động chức sắc, đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo. Cùng đó cần làm tốt công tác văn thư, lưu trữ; quản lý nhà nước về hội, quỹ và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra công vụ, công chức, góp phần nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tận dụng tối đa tài nguyên số phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ trong thời gian đến.