Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và một số ngành liên quan của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Trong năm 2022, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có trên 1.000 trận thiên tai đã được thống kê. Thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 vụ động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, 3 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 4 trận mưa lớn kèm theo giông lốc, làm tốc mái 15 căn nhà, đổ ngã nhiều cây ăn trái; xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, ước thiệt hại trên 5,4 tỷ đồng. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành của tỉnh đã chủ động xây dựng phương án về vật tư, thiết bị, nhân lực ứng phó với mọi tình huống khi xảy ra thiên tai như: Kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình liên quan đến phòng, chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai; tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ cho Văn phòng Thường trực các cấp.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tiếp tục chủ động, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai; quan tâm dành nguồn lực ưu tiên cho công tác phòng, chống thiên tai.

K.N

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-113242.aspx