Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng chống dịch bệnh
Sáng 20/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí thành viên BCĐ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, toàn ngành Y tế đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái tùy vào diễn biến dịch ở từng thời điểm, đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều chỉ tiêu về y tế được Quốc hội, Chính phủ giao đạt và vượt mức đề ra; công tác hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao... góp phần tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 18/6/2022, Việt Nam ghi nhận trên 10,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 9,5 triệu người đã khỏi bệnh, đạt 89%, có 43.083 ca tử vong. Dịch bệnh có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3/2022 đến nay. Trong những ngày gần đây, cả nước chỉ ghi nhận khoảng dưới 700 ca/ngày (so với thời kỳ đỉnh dịch khoảng trên 170.000 ca/ngày và thấp nhất trong gần 12 tháng qua). Đặc biệt, trong vòng 30 ngày qua, có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong.
Về tiến độ tiêm chủng vắc xin, tính đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%).
Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng đang có xu hướng chậm lại. Theo nhận định của Bộ Y tế, số bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian qua trên cả nước có xu hướng giảm mạnh, nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch. Hiện, không ghi nhận ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như sởi, sốt rét...; không ghi nhận các ca bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ... Tuy nhiên, các cấp, các ngành và địa phương cần phải tập trung các nguồn lực, chủ động các phương án phòng, chống dịch.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, đã tập trung thảo luận, đóng góp thêm nhiều vấn đề.
Trong đó, tập trung vào công tác tiêm chủng, đặc biệt là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; vấn đề thuốc và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Các đại biểu cũng nêu lên những thuận lợi, khó khăn, giải pháp và kinh nghiệm trong triển khai và phối hợp thực hiện công tác tiêm chủng phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua và hiện nay...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực của toàn xã hội trong công tác phòng chống bệnh dịch thời gian qua, cho rằng, dịch bệnh COVID-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nguy lây lan và diễn biến khó lường bởi những biến chủng mới. Đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương vẫn phải thực hiện nghiêm các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trong đó, theo tình hình thực tế phải đẩy nhanh đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với điều kiện mới và tiến độ bao phủ vắc xin...
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại, tiêm mũi 4 cho từng đối tượng, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.
Các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự cần thiết phải tiêm phòng, vận động người dân tham gia tiêm chủng. Quá trình tổ chức tiêm phải bảo đảm an toàn kể cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp không tham gia tiêm vắc xin theo yêu cầu.
Đối với việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng phải thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định. Riêng việc đấu thầu thuốc cần phải được đẩy nhanh hơn nữa ở cả cấp Trung ương và cấp tỉnh trên tinh thần không để thiếu vật tư và thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh. Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nêu cao vai trò, trách nhiệm vì nhiệm vụ chung, vì người dân, vì người bệnh.
Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 20/6, tổng số lượng vắc xin đã tiêm là 2.407.613.668 mũi. Trong đó, số mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 2.191.668 mũi; người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 162.292 mũi; người từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm được 53.613 mũi. Còn gần 10% người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) và mới chỉ có 5,4% người tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Tiến độ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 cho đối tượng trên 18 tuổi trở lên rất chậm. Đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng về sự cần thiết của việc tiêm phòng, tích cực và tự nguyện tham gia khi đủ các điều kiện về tiêm chủng.