Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 29-5, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần 'Chống dịch như chống giặc', dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Trong đó, chủng virus Ấn Độ phổ biến nhất, tiếp đến là chủng Anh, ngoài ra, còn phát hiện ra chủng mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh.

Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí; triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức. Trong đó, tại Bắc Ninh và Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc cao do có sự lây lan trong các khu công nghiệp. Một số địa phương, đặc biệt là tại các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thần tốc công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại các địa điểm, khu vực có dịch; chỉ đạo triển khai phương án cách ly y tế phù hợp vớ tình hình thực tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Huy động và điều động gần 1.500 y, bác sỹ, cán bộ y tế, giảng viên, học viên và sinh viên ngành y trực tiếp tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch; chỉ đạo xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng, chống dịch với tình huống 30.000 trường hợp mắc; chỉ đạo rà soát các quy định, hướng dẫn để kịp thời cập nhật, bổ sung các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật; tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin Covid-19.

Về công tác tiêm phòng vắc-xin, đến ngày 27-5, cả nước đã hoàn thành viêc triển khai tiêm chủng vắc-xin đợt 1, đợt 2 và đã tiêm được trên 1 triệu liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là khoảng 42.000 người. Hiện nay một số đơn vị, địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đợt 3…

Đối với nghiên cứu, sản xuất, mua vắc-xin, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, quan điểm chung ngay từ đầu của nước ta là cố gắng tiếp cận được tất cả các nguồn vắc-xin để có thể tiêm chủng cho người dân; mục tiêu là cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Do đó, cùng với nghiên cứu, tiến tới sản xuất vắc-xin, nước ta đang hết sức nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc-xin trên thế giới.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 100 triệu liều vắc-xin và đang thúc đẩy các cơ chế khác nhau để có thể bảo đảm có đủ 150 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp vì hiện nay nguy cơ trong các khu công nghiệp là cao nhất.

Các địa phương phải đặt mục tiêu ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt khu công nghiệp; lên phương án, kế hoạch cụ thể giãn cách sản xuất đối với từng khu công nghiệp, từng nhà máy; quản lý công nhân tại nơi làm việc, di chuyển trên các phương tiện giao thông và nơi lưu trú.

Mặt khác, phải sàng lọc, xét nghiệm trên diện rộng, nhất là dùng xét nghiệm nhanh; tăng cường trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát trong các khu công nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể nước ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, song về cục bộ có một số địa phương khó khăn. Thủ tướng biểu dương lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế, quân đội, công an, chính quyền các địa phương.

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình để đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó vừa làm, vừa hoàn thiện các thể chế, chính sách, vừa rút kinh nghiệm.

Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; đồng thời kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh đang bùng phát, nhất là tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, các khu công nghiêp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chiến lược vắc-xin, tiếp cận mọi khả năng để mua vắc-xin, không để chậm trễ; nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; tuyên truyền, tổ chức tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên một cách có hiệu quả cho các lực lượng, địa bàn trọng điểm.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Đặc biệt, phải phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch, với phương châm: 5K + vắc xin + công nghệ. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh và cư trú trái phép.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể của mình đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người dân; Bộ Y tế huy động nguồn lực từ các trường y để hỗ trợ lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân một cách toàn diện, xuyên suốt và hiệu quả.

A.T

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202105/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-tinh-hinh-giai-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-2189694/