Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực

Chiều 24/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách với chủ đề 'Nhận thức - Hành động - Nguồn lực'. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Những năm qua, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng, với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, công tác truyền thông chính sách được chú trọng và đổi mới, từ truyền thông nội bộ đến truyền thông đại chúng. Hệ thống báo chí, truyền thông góp phần to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Theo Bộ TT&TT, khảo sát thực trạng đội ngũ và nguồn lực cho truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cho thấy, đại bộ phận nhân lực làm truyền thông chính sách chưa được chuẩn hóa, khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ truyền thông. Lực lượng báo chí truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.

Hội nghị đã nghe tham luận của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí, địa phương về công tác truyền thông chính sách như: kinh phí cho tổ chức hoạt động truyền thông chính sách; vai trò, trách nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ; tổ chức bộ máy, vị trí việc làm; vai trò, sứ mệnh của báo chí với công tác truyền thông chính sách; kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng. Công tác truyền thông phải lấy người dân là chủ thể, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân. Làm tốt công tác truyền thông giúp người dân biết và tham gia, tổ chức thực hiện, phản hồi về chính sách. Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, truyền thông phải nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Làm tốt công tác truyền thông chính sách là phải đưa chính sách vào cuộc sống và xây dựng được niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Truyền thông chính sách phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong công tác truyền thông chính sách, đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội nghị để xây dựng, ban hành chỉ thị mới về truyền thông chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh thêm, tư duy và cách tiếp cận với truyền thông chính sách hiện nay phải đổi mới sát với tình hình thực tiễn, bối cảnh của đất nước; các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước trong công tác truyền thông chính sách. Hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, một số chính sách, chương trình, kế hoạch để thống nhất trong toàn quốc, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/172527/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-truyen-thong-chinh-sach-nhan-thuc--hanh-dong--nguon-luc.htm