Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp toàn quốc năm 2020: Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Chiều 24/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tham dự cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Hội nghị trực tuyến tổng kết ngà
Năm 2020 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn hán xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở, nhưng ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, bám sát thực tiễn với các giải pháp cơ cấu lại toàn ngành, đổi mới tăng trưởng, khơi thông nguồn lực của toàn xã hội, duy trì được đà tăng trưởng khá cao. Các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại…
Tại Bình Thuận, trong năm 2020 ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản 2,24%/kế hoạch 2,8%; sản lượng lương thực 742.384 tấn/kế hoạch 811.000 tấn, đạt 91,5%; diện tích thanh long VietGAP 11.419,5 ha/kế hoạch 10.200 ha, đạt 112%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 98,5%/kế hoạch 98,5%, đạt 100%. Có thêm 4 xã, 2 đơn vị cấp huyện (Đức Linh, Phan Thiết) đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 65/93 xã (đạt 69,9%); nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 3 đơn vị, vượt 1 đơn vị cấp huyện so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao và yêu cầu của Trung ương đến năm 2020...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá và khẳng định nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua và năm 2020 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra một số giải pháp trọng tâm mà ngành cần quan tâm thực hiện là có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch; nghiên cứu phát triển việc nuôi trồng thủy sản trên biển, các địa phương phải có trách nhiệm trong quản lý bằng công nghệ, giáo dục tư tưởng cho ngư dân để không vi phạm "thẻ vàng" của EU trong đánh bắt hải sản. Tập trung thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; tiếp tục nâng cao hoạt động kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, sẵn sàng ứng phó với thời tiết phức tạp; quan tâm hơn nữa đến xây dựng nông thôn mới…
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp đề ra các chỉ tiêu cơ bản như phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,7 đến 3%; kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp…
N.Hân