Hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33
Sáng 09/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Ngày 01/02/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước La Hay). Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nhất định, như: Thể chế pháp luật về nuôi con nuôi cơ bản đã hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài; công tác giải quyết nuôi con nuôi đã đi vào nền nếp; quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở các nước thành viên Công ước La Hay.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, trên toàn quốc đã giải quyết cho hơn 26.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước; có gần 4.000 trẻ em được giải quyết làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và 542 trường hợp giải quyết trong năm 2011 theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (trước khi Luật Nuôi con nuôi được ban hành).
Kể từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận hơn 15.000 báo cáo tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài. Qua tổng hợp báo cáo tình hình cho thấy, hầu hết trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài đều phát triển tốt về sức khỏe, tinh thần cũng như hòa nhập tốt trong môi trường mới.
Sau khi chính thức trở thành thành viên của Công ước La Hay, Việt Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác tích cực và có trách nhiệm với các nước thành viên và các tổ chức quốc tế khác có liên quan. Bộ Tư pháp duy trì liên hệ thường xuyên với Ban Thường trực Công ước La Hay để theo dõi thực thi ở các nước thành viên.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế với 14 nước thành viên Công ước La Hay trên cơ sở 05 điều ước quốc tế và 10 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Bộ Tư pháp luôn duy trì việc cung cấp, trao đổi thông tin, chính sách, pháp luật, số liệu thống kê; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các nước có quan hệ hợp tác để đảm bảo quy trình giải quyết cho trẻ em làm con nuôi và quá trình sau khi nhận con nuôi được tiến hành thuận lợi, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài...
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, hội nghị xác định những nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường đổi mới hình thức, cách làm về công tác bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra tại các địa phương; xây dựng và triển khai các bộ công cụ, tiêu chí giám sát, đánh giá việc giải quyết nuôi con nuôi cả trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, chú trọng biện pháp tăng cường nhân lực và nguồn lực tài chính thực hiện công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh công tác truyền thông chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực trẻ em và nuôi con nuôi.../.