Hội nghị trực tuyến tổng kết triển khai thí điểm ứng dụng YenBai-S; sơ kết thực hiện Đề án 06

Chiều 11/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết triển khai thí điểm ứng dụng công dân số YenBai-S; sơ kết 6 tháng triển khai, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; Đại tá Lê Việt Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, từ ngày 1/3/2023 trên địa bàn thành phố Yên Bái và từ ngày 15/5 trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức triển khai cài đặt hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng YenBai-S.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 300.000 tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng, bằng 35,6% dân số toàn tỉnh, với trên 25 triệu lượt truy cập ứng dụng. Các địa phương có tỷ lệ cài đặt ứng dụng cao như: Văn Yên hơn 55.000 tài khoản, Yên Bình gần 50.000 tài khoản, Lục Yên trên 42.000 tài khoản, Trấn Yên gần 38.000 tài khoản…

Lãnh đạo Công an tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Lãnh đạo Công an tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Từ khi vận hành chính thức đến nay, hệ thống đã tiếp nhận trên 850 phản ánh, kiến nghị của người dân; đã đăng tải và chuyển các cơ quan chức năng trả lời trên 600 phản ánh, kiến nghị. Qua đánh giá, số người dân hài lòng 61%, chấp nhận 15%, không hài lòng 24%...

Đối với việc thực hiện Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công tỉnh với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực, kiểm tra danh tính điện tử của công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Yên Bái cũng đã thực hiện công khai, đầy đủ 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái.

Tính đến 10/7/2023, tỉnh Yên Bái xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố trong Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Nhằm đảm bảo dữ liệu luôn "Đúng, đủ, sạch, sống”, Công an tỉnh cũng đã thu thập, cập nhật lên hệ thống dữ liệu dân cư trên 216.600 hộ với trên 893.000 nhân khẩu, cập nhật lịch sử thường trú cho 100% học sinh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xét tuyển THCS, thi THPT, đại học; xác thực thông tin cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 98,67% học sinh và 95,61% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Đến ngày 14/6/2023, toàn tỉnh đã thu nhận gần 739.000 hồ sơ căn cước công dân, vượt trước kế hoạch của Công an tỉnh 15 ngày và trước chỉ đạo của Bộ Công an 46 ngày. Đến giữa tháng 6/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 304.500 hồ sơ định danh điện tử mức 2 và trên 43% tài khoản đã kích hoạt.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% cấp xã, cấp thôn với 1.529 tổ với hơn 10.500 thành viên đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ công dân lập tài khoản sử dụng Dịch vụ công; cài đặt, đăng ký, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNeID, ứng dụng YenBai-S.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tham mưu triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong triển khai Đề án 06 và triển khai ứng dụng YenBai-S.

Để triển khai có hiệu quả Đề án 06 và ứng dụng YenBai-S, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tiếp nhận bàn giao ứng dụng công dân số YenBai-S; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý, vận hành và phát triển ứng dụng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí cũng đề nghị cần triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ theo của Đề án 06; phát huy hiệu quả việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện 2 thủ tục hành chính thiết yếu thuộc 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06, gồm: Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí.

Công an tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu thập, thống kê, rà soát, cập nhật làm sạch các dữ liệu đảm bảo thông tin công dân luôn "Đúng, đủ, sạch, sống”; thông báo đủ 100% số định danh cá nhân cho công dân; hoàn thành việc thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đảm bảo chỉ tiêu do Bộ Công an giao là 450.000 tài khoản định danh điện tử để phục vụ các tiện ích của người dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,Ngô Hạnh Phúc cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã bấm nút khai trương ứng dụng Công dân số YenBai-S (ảnh).

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án 06.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/286919/hoi-nghi-truc-tuyen-tong-ket-trien-khai-thi-diem-ung-dung-cong-dan-so-yenbai-s-so-ket-6-thang-dau-nam-2023-ve-trien-khai-thuc-hien-de-an-06.aspx