Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU)
Chiều 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" với IUU nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa khắc phục được. Hội nghị này có sự tham dự của cả 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, vậy phải kiểm điểm làm rõ nguyên nhân vì sao, để xử lý cho thấu đáo, hiệu quả.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, kể từ ngày 23/10/2017, khi EC cảnh báo "Thẻ vàng" với IUU, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, nỗ lực khắc phục những nhược điểm khai thác vi phạm các quy định của EC. Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành 8 Thông tư hướng dẫn để thực hiện.
Theo đó, về cơ sở pháp lý, các văn bản và công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến các địa phương đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Tại các địa phương, cũng đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực (trang thiết bị, nhân lực) tại cảng cá...
Về kết quả cụ thể, đến nay, tổng số tàu cá đã giảm 5,1% (từ 96,6 nghìn chiếc năm 2019 đến nay còn 91,7 nghìn chiếc), trong đó tàu cá từ 15 mét trở lên giảm 4%. Tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt trên 95%.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương: Năm 2020 xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay gần 1.000 vụ với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng.
Về phía tỉnh Ninh Bình, tỉnh ta có chiều dài bờ biển 18 km, số lượng tàu cá 65 tàu. Tổng sản lượng khai thác khoảng 7.000 tấn/năm. Đến nay, 100% số tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký; 96,9% số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 100% tàu cá đã hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định; 8/8 tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tỉnh không có tàu cá vi phạm quy định về khu vực, vùng cấm khai thác thủy sản; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Về kết quả kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tính từ giữa năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 96 trường hợp, tổng số tiền phạt là trên 700 triệu đồng.
Ninh Bình hiện nay không có cảng cá để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, chưa thực hiện được phân chia vùng biển ven bờ giữa tỉnh Thanh Hóa và Nam Định.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã phát biểu làm rõ thực trạng, những nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc thực hiện các cam kết về chống IUU không phải là để đối phó với EC mà chính là đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân, cho quốc gia, nâng cao hình ảnh của đất nước.
Việt Nam phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển cũng như môi trường của trái đất cho hiện tại và các thế hệ mai sau. Do vậy, phải có phương pháp tuyên truyền, vận động làm sao để mọi người dân nhận thức được điều này.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp & PTNT phải tập hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng một chương trình hành động mang tính pháp lý cao để nhanh chóng giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.
Trước mắt, tập trung cho kế hoạch 180 ngày hành động tới đây, trước khi EU tái kiểm tra. Trong đó, phải làm rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, người dân phải làm cái gì. Sau khi xây dựng kế hoạch xong phải tổ chức quán triệt sâu sắc và hàng tháng phải họp tự kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành.
Thủ tướng yêu cầu, các ngành, địa phương có liên quan phải phối hợp chặt chẽ, tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU.
Xem xét đưa các tàu cá dưới 15 mét vào trong diện phải giám sát hành trình. Về lâu dài cần đánh giá lại các vùng biển, các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ; tính toán đến việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên tinh thần càng khó khăn càng phải quyết tâm, do vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sát sao, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, lo cho dân, có phương pháp tuyên truyền để từ đó khơi dậy được tính tự trọng, tự hào và đoàn kết dân tộc trong nhân dân cùng nhau thực hiện tốt mục tiêu đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo sau cuộc họp trực tuyến.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Trung ương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đề nghị, với tỉnh ta số lượng tàu cá không nhiều, nhưng huyện Kim Sơn và Sở Nông nghiệp & PTNT vẫn phải theo sát, động viên, tuyên truyền, vận động các chủ tàu, ngư dân thực hiện tốt các quy định trong khai thác hải sản. Tuyệt đối không để trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt mang tính hủy diệt. Tính toán, đề xuất các giải pháp để quy hoạch lại vùng ven biển, đặc biệt là khu vực từ đê Bình Minh II trở ra, để quản lý, phát huy tốt vùng này, tạo cơ hội cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất và làm giàu.