Hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh
Sáng 29/6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các địa phương; tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế; kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Sáng 29/6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các địa phương; tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế; kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở nhiều đơn vị, địa phương, dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu KCB của người dân sau đại dịch Covid-19 tăng mạnh. Trong 2 năm qua, hệ thống y tế toàn quốc tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, nên việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và KCB càng trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Năng lực mua sắm, đấu thầu của nhiều đơn vị còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá cả, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa xác định rõ về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính. Có tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới trượt thầu và chậm thầu so với dự kiến ban đầu.
Do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm. Một số thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho phòng chống dịch, chưa có cơ chế dự trữ. Nhiều vật tư, hóa chất chưa có thông tin giá trúng thầu công bố trên cổng thông tin, có hiện tượng giá kê khai thấp hơn giá dự thầu, gây khó cho các đơn vị trong công tác mua sắm. Nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế quá ít, rất khó khăn trong việc xử lý hồ sơ.
Để tăng cường năng lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao…
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu bảo đảm tính chủ động, công khai, minh bạch, dự phòng hợp lý. Xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch.
Trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2206/BYT-BH đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để ban hành các văn bản liên quan đến đẩy mạnh cấp phép lưu hành. Phối hợp với Bộ Tài chính để sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 277/2016/TT-BTC có mức phí đăng ký thuốc phù hợp, tăng thù lao chi trả cho chuyên gia; nghiên cứu sửa đổi Luật Dược theo hướng đổi mới cơ chế cấp phép nhằm giải quyết tồn đọng, cấp phép nhanh và tăng cường phân cấp phân quyền; tổ chức các đơn vị thẩm định hồ sơ độc lập. Cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện.
Tăng cường quản lý chất lượng thuốc và giá thuốc. Đẩy mạnh triển khai công tác hậu kiểm về giá thuốc, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc theo quy định tại Luật Dược, không để xảy ra hiện tượng tăng giá thuốc bất hợp lý trên thị trường. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá.
Đẩy mạnh thực hiện phân cấp việc cấp phép trang thiết bị y tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện về thể chế về công tác quản lý trang thiết bị y tế; thay đổi quy trình cấp lưu hành trang thiết bị y tế; bổ sung chuyên gia, giao cho một số đơn vị có đủ điều kiện là bên thứ ba để đánh giá hồ sơ đăng ký.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất có văn bản hướng dẫn một số nội dung triển khai thực hiện việc sử dụng thông tin kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế khi thực hiện đầu tư, mua sắm tại đơn vị. Tổ chức lập kế hoạch kiểm tra, giám sát, hậu kiểm công tác kê khai giá để đảm bảo thực hiện hiệu lực, hiệu quả quy định của Chính phủ.
Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm và Cổng thông tin điện tử kê khai giá trang thiết bị y tế để thuận lợi trong việc tra cứu, phân tích, tổng hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý giá. Tiếp tục nghiên cứu để có đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện kê khai giá trang thiết bị y tế theo hướng vừa chặt chẽ hơn vừa theo lộ trình.
Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến nay cả nước đã tiêm 230 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19 các loại; công tác tiêm chủng bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, tiến độ tiêm nhắc lại trong thời gian gần đây có chiều hướng chậm, do tâm lý chủ quan của người dân. Với số lượng vắc xin hiện có, nếu không sử dụng hiệu quả vắc xin sẽ gây lãng phí, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19 gia tăng trở lại trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo diện được phân bổ. Khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.