Hội nghị trực tuyến về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công (ĐTC) giai đoạn 2021-2025... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công (ĐTC) giai đoạn 2021-2025 và năm 2021. Dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan và 24 điểm cầu trong khu vực. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo của Bộ KH và ĐT nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2020, vùng đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,74%, cao hơn mức bình quân của cả nước (1,81%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 284,185 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng số thu cả nước, đạt 52,3% dự toán. Xuất khẩu đạt 49,326,4 tỷ USD, chiếm 33,42% cả nước, đạt 50,15% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 7 tháng đạt 5,824 tỷ USD, chiếm 30,95% cả nước với 1.733 dự án, chiếm 25,87% cả nước… Về ĐTC, theo Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bằng sông Hồng được giao 88.506,834 tỷ đồng, chiếm 24,21% tổng số vốn giao kế hoạch năm 2020 của cả nước, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương 75.326,087 tỷ đồng (địa phương giao 97.748,359 tỷ đồng); Vốn ngân sách Trung ương 13.180,747 tỷ đồng (địa phương giao 12.333,804 tỷ đồng). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 57,4% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương ước đạt 60,6%; vốn ngân sách Trung ương trong nước ước đạt 51,1%; vốn ODA ước đạt 23,51%. Như vậy, công tác giải ngân trong 8 tháng năm 2020 của khu vực đồng bằng sông Hồng cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 49,1%.
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và các nguồn vốn khác năm 2020. Đồng thời thảo luận một số nội dung chủ yếu triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐTC cả giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, trao đổi, giải đáp các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến những nội dung này.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đề xuất với Bộ KH và ĐT 3 nội dung gồm: Theo quy định từ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở đi, sẽ không ban hành riêng quy hoạch sử dụng đất mà chỉ còn phương án sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên dự kiến đến năm 2022 Nam Định mới hoàn tất xây dựng, được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, vì vậy đề nghị Bộ KH và ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về xử lý khó khăn khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất trong khoảng thời gian chưa được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30-4-2020 nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện, đề nghị Bộ KH và ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn để các địa phương có căn cứ triển khai hiệu quả. Đề nghị Bộ KH và ĐT sớm có thông báo dự kiến tổng vốn ĐTC để các địa phương có căn cứ triển khai xây dựng kế hoạch ĐTC giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.
Để đạt kết quả cao nhất trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐTC giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ KH và ĐT yêu cầu các địa phương căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 29/CT-TTg ngày 29-7-2019, số 18/CT-TTg ngày 13-4-2020 và số 31/CT-TTg ngày 29-7-2020), các văn bản hướng dẫn của Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐTC; chủ động hướng dẫn và báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch trong nội ngành, xây dựng các sản phẩm chủ lực; phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư theo hình thức PPP có tác động lan tỏa, liên kết vùng; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ gửi báo cáo đúng hạn theo yêu cầu tại văn bản hướng dẫn của Bộ KH và ĐT. Về công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, Bộ KH và ĐT có văn bản hướng dẫn, do đó đề nghị các địa phương tập trung triển khai thực hiện kịp tiến độ đề ra và xây dựng hệ thống số liệu đầy đủ theo biểu chung đã hướng dẫn; Căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thống kê để làm số liệu chuẩn cho năm trước năm kế hoạch, từ đó có cơ sở để xây dựng số liệu của năm kế hoạch. Về công tác xây dựng kế hoạch ĐTC, do nhu cầu vốn ĐTC năm 2021, giai đoạn 2021-2025 các địa phương đề ra quá cao so với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước nên các địa phương cần căn cứ vào nguồn lực thực tế của Nhà nước, số vốn năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng kế hoạch năm 2021, giai đoạn 2021-2025 phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, thực hiện hoàn ứng để giảm số dư ứng, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện báo cáo ĐTC năm 2021, giai đoạn 2021-2025 và nhập hệ thống; gửi kế hoạch ĐTC năm 2021, giai đoạn 2021-2025 để tiến hành thẩm định theo quy định. Rà soát nhu cầu nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2021, giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực đã được quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8-7-2020 bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch ĐTC, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xác định rõ mục tiêu, tránh giàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch ĐTC năm 2021 phù hợp với kế hoạch ĐTC trung hạn 5 năm 2021-2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021. Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn ĐTC nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo các quy định tại Chỉ thị nêu trên. Rà soát danh mục dự án ĐTC giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 căn cứ theo số vốn ĐTC giai đoạn 2016-2020 đã giao còn lại. Hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch ngay từ đầu năm để có căn cứ bố trí kế hoạch 2021 đúng quy định./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy