Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng CS Trung Quốc xác lập vị trí của ông Tập Cận Bình trong lịch sử
Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã bế mạc, Tân Hoa xã đã công bố Thông cáo của hội nghị. Theo phân tích của giới quan sát, bản Thông cáo nổi lên 6 vấn đề chính.
Thứ nhất, Hội nghị TW6 khóa XIX đã hoàn thành ba nội dung quan trọng: xem xét thông qua "Nghị quyết của Trung ương về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng CSTQ", được gọi là nghị quyết lịch sử thứ ba trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc sau thời đại Mao Trạch Đông và thời đại Đặng Tiểu Bình; quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nghĩa là chính trị của Trung Quốc đã bước vào chu kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XX; ông Tập Cận Bình giải thích trước hội nghị toàn thể về "Nghị quyết của Trung ương về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng" (Dự thảo để thảo luận) ”, cho thấy ông Tập Cận Bình đang giữ vai trò chủ đạo của bản nghị quyết lịch sử thứ ba.
Thứ hai, Thông cáo của Hội nghị đã khẳng định đầy đủ về hoạt động của Bộ Chính trị kể từ Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Trung ương khóa XIX, đồng thời khái quát toàn diện những thành tích chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình trong năm qua. Đây thực tế là một hoạt động thường lệ. Thông thường, mỗi kỳ hội nghị trung ương đều nhìn lại và đánh giá về công tác trong thời gian giữa hai kỳ hội nghị.
Các Ủy viên Trung ương biểu quyết thông qua "Nghị quyết của Trung ương về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng CSTQ" (Ảnh: Xinhua).
Thứ ba, thông cáo Hội nghị TW6 khóa XIX đã giải thích nhu cầu chính trị và ý nghĩa của việc tổng kết những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 100 năm qua. Các nhu cầu chính trị bao gồm bắt đầu chặng đường mới xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại một cách toàn diện (nội dung chủ yếu của thế kỉ thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc), "bốn ý thức", "bốn tự tin", "hai bảo vệ", cũng như cuộc cách mạng tự thân và cải thiện năng lực của Đảng, phục hưng dân tộc.
Ý nghĩa chính trị chủ yếu là "từ 100 năm phấn đấu của Đảng nhìn rõ tại sao chúng ta có thể thành công trong quá khứ và làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục thành công trong tương lai", tức là tổng kết kinh nghiệm trong quá khứ và hướng tới tương lai.
Thứ tư, thông cáo Hội nghị đã sử dụng phương pháp hồi tưởng để kiểm lại thành tích của 5 thế hệ lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình; gọi lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lịch sử "tìm kiếm hạnh phúc cho người dân Trung Quốc và mưu cầu phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Qua đó củng cố tính chính danh trong lịch sử của ĐCSTQ. Trên thực tế, điều này trùng khớp với logic trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm 1/7 và thậm chí cả những bài phát biểu về lịch sử của các nhà lãnh đạo kế tiếp nhau của ĐCSTQ. Về mặt này, có ý kiến nhận xét “ĐCSTQ thông minh hơn ĐCS Liên Xô, họ luôn tâm niệm bài học ‘một nước diệt vong trước hết do phủ nhận lịch sử’, cho phép chỉ ra những vấn đề và sai lầm trong lịch sử nhưng trên cơ sở khẳng định qua khứ”.
Bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trên Đoàn chủ tịch hội nghị (Ảnh: Xinhua).
Đặc biệt, chủ đề của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này là tổng kết những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử trong một thế kỷ đấu tranh của Đảng, tập trung vào “những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu". Khác với hai nghị quyết lịch sử đầu tiên vào thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình chỉ tập trung vào "các vấn đề lịch sử", nghị quyết lần này đương nhiên tập trung nhiều hơn vào tường thuật tích cực và ca ngợi thành tích. Đây cũng là điểm khác biệt giữa nghị quyết lịch sử thứ ba được công bố lần này và hai nghị quyết lịch sử trước đây trong thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Theo thông cáo của cuộc họp, ĐCSTQ đã chia lịch sử 100 năm vừa qua thành 4 thời kỳ đối mặt với những nhiệm vụ chính khác nhau, bao gồm: thời kỳ cách mạng dân chủ mới; thời kỳ xây dựng và cách mạng Xã hội chủ nghĩa; thời kỳ cải cách, mở cửa và hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa; thời đại mới của Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.
Trong đó, hai giai đoạn đầu tiên thuộc thời đại Mao Trạch Đông. Đánh giá của nghị quyết về cơ bản tiếp tục quan điểm và cách diễn đạt ngày 1/7 của ông Tập Cận Bình, cho rằng Tư tưởng Mao Trạch Đông là "bước nhảy vọt lịch sử đầu tiên trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác".
Ba thế hệ lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào được tính vào thời kỳ cải cách, mở cửa. Đánh giá về thời kỳ này về cơ bản cũng tiếp nối quan điểm và cách nói của ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu ngày 1/7 và cho rằng thời kỳ này đã hình thành hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc (gồm lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, quan điểm phát triển Khoa học), là “bước nhảy vọt mới của việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”.
Thời đại mới của Chủ nghĩa Xã hội màu sắc Trung Quốc là giai đoạn lịch sử mới bắt đầu từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ông Tập Cận Bình lên nắm quyền). Thông cáo của hội nghị tập trung nói về thời đại mới của Chủ nghĩa Xã hội màu sắc Trung Quốc gồm có ba cấp độ nội dung.
Đầu tiên là tập trung nói về việc ông Tập Cận Bình là người sáng lập chính Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới và đánh giá tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới là “Chủ nghĩa Mác Trung Quốc đương đại, chủ nghĩa Mác thế kỷ XXI, là tinh hoa thời đại của văn hóa Trung Quốc và tinh thần Trung Quốc, thực hiện được một bước nhảy vọt mới trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”. Đây thực chất là đặt ngang hàng Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới với Tư tưởng Mao Trạch Đông và hệ thống lý luận về Chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc.
Thứ hai là đánh giá khái quát cao về "Ủy ban Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo" và "thúc đẩy đạt được những thành tựu lịch sử và những thay đổi lịch sử trong sự nghiệp của đảng và đất nước".
Thứ ba là kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý nghiêm và toàn diện Đảng, xây dựng kinh tế, đổi mới và mở cửa sâu rộng toàn diện, xây dựng chính trị, điều hành đất nước pháp quyền toàn diện, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội, xây dựng văn minh sinh thái, xây dựng Quốc phòng và quân đội, giữ gìn an ninh quốc gia, kiên trì "Một quốc gia, hai chế độ" và thúc đẩy thống nhất đất nước, công tác ngoại giao và các khía cạnh cụ thể khác đã điểm lại những thành tựu của ĐCSTQ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, và một lần nữa kết luận rằng "dân tộc Trung Hoa đã mở ra một bước tiến nhảy vọt vĩ đại từ chỗ đứng lên, trở nên giàu có rồi hùng mạnh". Trên thực tế, điều này là để làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa của thời đại Tập Cận Bình, được đặt ngang hàng với thời đại Mao Trạch Đông và thời đại Đặng Tiểu Bình.
Thứ năm, sau khi điểm lại lịch sử 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thông cáo hội nghị đã tóm tắt ý nghĩa lịch sử 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc; không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân ĐCSTQ, chủ nghĩa Mác, nhân dân Trung Quốc, vận mệnh Trung Quốc và lịch sử Trung Quốc, mà còn sáng tạo “hai kỳ tích về phát triển kinh tế nhanh và ổn định xã hội lâu dài" đã “ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử thế giới”,“tạo ra một hình thái văn minh mới của nhân loại, mở ra con đường hiện đại hóa cho các nước đang phát triển”. Điều này không chỉ phản ánh sự tự tin của ĐCSTQ vào con đường riêng của mình mà còn cho thấy ĐCSTQ thể hiện tham vọng có trách nhiệm đối với nhân loại.
Thứ sáu, Thông cáo của hội nghị đề cập vắn tắt Mười kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 100 năm qua, đồng thời tiến hành vận động chính trị và kêu gọi toàn Đảng chào đón Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX họp vào nửa cuối năm 2022 và mục tiêu vĩ đại phục hưng dân tộc Trung Hoa hướng tới thế kỷ thứ hai. Trọng tâm nằm ở Mười kinh nghiệm lịch sử, bao gồm: “Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì nhân dân tối thượng, kiên trì đổi mới lý luận, kiên trì độc lập tự chủ, kiên trì con đường Trung Quốc, kiên trì hướng ra thế giới, kiên trì tiên phong và đổi mới, kiên trì dũng cảm đấu tranh, kiên trì mặt trận thống nhất, kiên trì tự cách mạng”.
Hội nghị TW6 đã xác lập vị trí của ông Tập Cận Bình trong lịch sử ĐCS Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).
Mặc dù Thông cáo của hội nghị không thảo luận về Mười kinh nghiệm lịch sử này, nhưng những người quen thuộc với chính trị Trung Quốc có thể dễ dàng nhận thấy rằng Mười kinh nghiệm này thực sự là bản tổng kết kinh nghiệm chính trị của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền 9 năm trước, mang dấu ấn mạnh mẽ phong cách và triết lý chính trị của Tập Cận Bình. Trong 9 năm qua, Mười kinh nghiệm này đã được đưa vào các văn kiện khác nhau của ĐCSTQ hoặc các bài phát biểu của giới cấp cao. Lần này, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX chủ yếu là chỉnh lý lại; dự kiến nó sẽ thường xuyên được đề cập trong diễn ngôn chính trị của ĐCSTQ trong tương lai.
Giới quan sát về Trung Quốc cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX của DCSTQ đã đạt được ba trọng điểm, đó là: xác lập vị trí cốt lõi của ông Tập Cận Bình trong đảng, thiết lập đường lối tương lai do Tập Cận Bình lãnh đạo với tư tưởng của mình, và xác lập vị trí lịch sử của ông Tập Cận Bình trong đảng không hề thua kém Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Vì thế xác lập tính chính danh và tất yếu cho sự lãnh đạo lâu dài của ông Tập Cận Bình.