Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông)

Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) diễn ra tại Hà Nội, ngày 1/6, có trên 200 doanh nghiệp tham dự.

Hội nghị do Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (CCPIT Sơn Đông) tổ chức.

Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu Việt Nam có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Thành phố Hà Nội. Về phía đại biểu Trung Quốc có Lãnh đạo các địa phương của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cùng với đó là trên 200 Hiệp hội, Công ty, Tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc tham dự.

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022; đón đầu tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 8/1/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về hợp tác đầu tư, tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đầu tư 3.567 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 23,48 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đứng thứ 6 (tăng 1 bậc so với năm 2021) trong 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 trong các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 283 dự án cấp mới có giá trị 1,35 tỷ USD (trên 2,51 tỷ USD tổng số vốn đăng ký).

Trên 200 Hiệp hội, công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị

Trên 200 Hiệp hội, công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị

Hòa chung trong dòng chảy thương mại phát triển ổn định, bền vững của hai nước, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông cũng có những bước phát triển đầy lạc quan. Năm 2022, kim ngạch thương mại chiều Việt Nam – Sơn Đông đạt gần 14 tỷ USD tăng 35,1% so với năm 2021, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.

Với GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc với quy mô dân số đạt 101,62 triệu người (năm 2022), Sơn Đông là một thị trường giàu tiềm năng có quy mô lớn, đồng thời một tỉnh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc. "Vì vậy, với vai trò, vị trí và quy mô thị trường nêu trên, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông còn rất lớn"- ông Chiến nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Hội nghị hôm nay được tổ chức trong bối cảnh hoạt động kinh tế, thương mại giữa các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã được khôi phục hoàn toàn sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, qua đó mở ra cơ hội để cho doanh nghiệp hai bên được gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư và kinh doanh.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông phát triển ổn định, bền vững, ông Hoàng Minh Chiến kiến nghị: Hai bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi Bên để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.

Đối với phía Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc vừa chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong năm 2022.

Về phía Việt Nam, ông Hoàng Minh Chiến cho hay, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai Bên, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của mỗi nước.

Lễ ký kết 7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông

Lễ ký kết 7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông

Đại diện phía Trung Quốc, ông Lâm Nguyên – Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại (CCPIT) tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của Hội nghị, trong đó việc tổ chức hội nghị sẽ góp phần phúc đẩy, làm sâu sắc hơn sự hợp tác, giao lưu kinh tế giữa hai nước; đồng thời thực hiện tốt nhận thức chung của Chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế, đầu tư.

Còn theo ông Lý Chấn Dân – Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mai giữa hai nước đang phát triển tích cực. Trong đó, nhiều đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã vào Việt Nam để tìm hiểu thị trường, đầu tư nhà máy sản xuất. Đặc biệt, hợp tác địa phương hai bên được tăng cường. Theo đó, Sơn Đông là địa phương có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc, có nhiều lĩnh vực đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhất là công nghiệp, đây sẽ là lợi thế để Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy, nâng cao hiêu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đại diện Ủy ban Xúc tiến Thương mại quốc tế tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) giới thiệu về các cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn Lễ ký kết 7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông.

Các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại chương trình giao thương

Các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại chương trình giao thương

Đặc biệt, điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su– phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

Thông qua chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề mình quan tâm, nhu cầu xuất – nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông).

Hoa Quỳnh - Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-xuc-tien-thuong-mai-dau-tu-va-ket-noi-giao-thuong-viet-nam-trung-quoc-son-dong-256431.html