Hội Nhà báo Việt Nam 75 năm đồng hành cùng đất nước, vươn mình cùng thời đại
Khi đất nước đứng trước những cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang vươn mình thay đổi, đồng hành cùng dân tộc.
Hành trình 75 năm đầy tự hào
Sáng 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (21/4/1950 - 21/4/2025) và Hội nghị toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025.
Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân, hội nghị được diễn ra vào thời điểm vô cùng đặc biệt đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và với hội.
Cách đây 75 năm, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, lần đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, những thế hệ làm báo cha anh đã đoàn kết, hội tụ dưới một tổ chức mang cá tính và bản lĩnh của người làm báo - Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam).
Trong chiều dài kháng chiến kiến quốc của dân tộc, sự ra đời của hội đã minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất sử dụng sức mạnh của lý tưởng, sự dấn thân của đội ngũ người làm báo thông qua ngòi bút sắc bén của mình đồng hành chiến đấu cùng Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc.

Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (21/4/1950 - 21/4/2025) và Hội nghị toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025. Ảnh: Phương Linh.
Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước và sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn và nhất là bản lĩnh chính trị cho người làm báo toàn quốc.
Thông qua tiếng nói của hội, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã được tuyên truyền tích cực, cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam được phản ánh đậm nét, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, sự phồn vinh về mọi mặt dưới sự lãnh đạo của Đảng được truyền thông mạnh mẽ.
Ông Minh khẳng định, trong hành trình 75 năm lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Báo chí là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển tổ chức hội. Hội đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí, chủ động đổi mới phương thức hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bối cảnh khu vực và thế giới với sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ đặt ra vô vàn cơ hội và thách thức, ông Minh kỳ vọng, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng đổi mới, nâng cao vai trò và vị thế của mình.
Hội Nhà báo cần nỗ lực để xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tin cậy – “ngôi nhà chung” của đội ngũ những người làm báo cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cũng khẳng định, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, đã có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ.
Chất lượng các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng lên, đạt được những bước tiến mạnh mẽ, bám sát với xu hướng truyền thông hiện đại của báo chí quốc tế.
Đội ngũ những người làm báo không chỉ tăng nhanh về số lượng mà bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng áp dụng khoa học công nghệ cũng ngày càng được nâng lên.
"Đây chính là niềm tự hào lớn lao đối với báo chí cách mạng Việt Nam trong gần 100 năm xây dựng và trưởng thành, là sự ghi nhận với những nỗ lực, đóng góp to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam trong 75 năm qua", ông Thủy nhìn nhận.
Báo chí vươn mình thay đổi
Mặc dù ngành báo chí đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Ở một số cấp hội và cơ quan báo chí còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan tố tụng khởi tố bị can, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan tạp chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ hội viên.
Trong bối cảnh mới như chủ đề hoạt động của năm 2025, "Hội Nhà báo Việt Nam đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: đoàn kết – kỷ cương – chuyên nghiệp – sáng tạo”, ông Lợi cho rằng, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên luôn được chú trọng, nhằm hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, việc tổ chức các lớp học mới, bắt kịp với sự thay đổi xu hướng của báo chí trong nước và thế giới. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), quản lý nội dung số, kỹ năng phòng chống tin giả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng, cập nhật công nghệ số vào các hoạt động báo chí, từ sản xuất, phân phối đến phát hành nội dung số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong kỷ nguyên số.
Đồng quan điểm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cũng cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam cần kịp thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí phát triển.
Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò tập hợp, đi đầu trong đề xuất các cơ chế, chính sách, pháp luật hướng tới chuyển đổi số toàn diện hoạt động báo chí trong môi trường số. Các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội cần được đề xuất cho sự phát triển của báo chí cách mạng.
Bên cạnh đó, theo ông Thủy, hội và các cơ quan báo chí cần phát triển các mô hình kinh tế báo chí bền vững; tiếp tục đào tạo đội ngũ người làm báo với những kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của môi trường báo chí số, nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí trên không gian mạng.
"Trong giai đoạn quan trọng này, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng cả nước.
Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại và công cuộc chuyển đổi số của đất nước", ông Thủy nhấn mạnh.