Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình 'Về nguồn'

Thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), ngày 20/4, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình 'Về nguồn' tại các khu di tích lịch sử, văn hóa thuộc cụm di tích An toàn khu Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy viên Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại biểu nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại biểu đại diện thường trực hội nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các liên chi hội, chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam…

Mở đầu Chương trình “Về nguồn”, các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích Đèo De, xã Phú Đình, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên). Tiếp đó, tham quan, tìm hiểu thông tin tư liệu truyền thống tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên); tham quan khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, thuộc An toàn khu Đại Từ, Thái Nguyên).

Chương trình “Về nguồn” nhằm tưởng niệm, ghi nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà báo, chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng; đồng thời giúp cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, ngành tìm hiểu tư liệu, nhận thức sâu sắc hơn truyền thống lịch sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; ghi nhớ, tri ân công lao, cống hiến của các thế hệ nhà báo đàn anh đi trước đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó nhân lên niềm tự hào, tự tin và quyết tâm đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng nền báo chí và tổ chức hội nhà báo ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thế Vĩnh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/hoi-nha-bao-viet-nam-to-chuc-chuong-trinh-ve-nguon-158229.html