Hội Nhà văn Việt Nam: Có gì sau ồn ào lỗ thủng lịch sử?
'Chúng tôi đã trân trọng, khuyến khích vận động một số nhà văn vào hội', Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trần tình tại lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới sáng 14/2.
Vào hội không cần đơn xin
Mỗi kỳ kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) chẳng khi nào ngớt ồn ào, có khi vì thành viên “trượt vỏ chuối”, khi lại có người bị thu hồi quyết định vì lời tố đạo thơ. Trước ngày kết nạp 14/2/2022, Nguyễn Hữu Hồng Minh làm nóng dư luận sau khi bài thơ Lỗ thủng lịch sử (2003) được đào xới lại. Tác giả cũng được tặng cho đủ thứ “gạch đá” nhằm vào bài thơ viết 19 năm trước. Có người yêu sách Hội không được cho tác giả kết nạp kỳ này. Lại có người lên mạng xã hội “dọa” Chủ tịch Hội nếu bỏ tên Nguyễn Hữu Hồng Minh, vị này sẽ xin ra khỏi hội! Nguyễn Hữu Hồng Minh cuối cùng không có tên trong danh sách 34 hội viên mới, ra mắt sáng 14/2.
Ông Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn đối diện dư luận ồn ào quanh tác giả Lỗ thủng lịch sử cũng như quy trình kết nạp. Sau lễ kết nạp và lễ trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021, ông phân trần bằng cách dùng lời cảm ơn các tác giả đạt giải thưởng và những người tự nguyện bước vào hội. “Họ mang đến cho HNVVN một giọng nói mới, một vẻ đẹp mới cộng thêm vào những ý chí khát vọng mà hội qua nhiều thế hệ đã mang tới xây dựng nên ngôi nhà HNVVN”, ông Thiều nói.
Tới dự lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, năm qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và dành tình cảm đặc biệt tới đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực tổ chức, hoạt động của Hội. Những đổi mới, sáng tạo của Hội đã gửi thông điệp tích cực tới bạn đọc và xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong năm 2022, Hội cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn để đạt được nhiều thành công mới, tạo được niềm tin đối với hội viên và bạn đọc; đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ. Đội ngũ văn nghệ sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về văn hóa, khát vọng phát triển; giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn, gắn bó sâu sắc với nhân dân; thẳng thắn, quyết liệt phê phán cái xấu, cái ác.
Việc kết nạp hội viên ở nhiệm kỳ mới cũng có điều khác biệt. Đó là tính nghiêm túc, chân thực, của các hội đồng và đặt vấn đề chuyên môn cao nhất. Điểm khác rõ nét nhất là cuộc vận động một số nhà văn tên tuổi vào sân chơi này. “Chúng tôi đã trân trọng, khuyến khích vận động một số nhà văn vào hội. Đó là những người đã để lại ấn tượng tốt trong đời sống văn học Việt Nam như nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, nhà văn Nhật Chiêu... Lời mời này không phải là họ đi thẳng vào hội bằng ưu tiên nào đó, mà là sự trân trọng từ tôi và các UV BCH, UV Hội đồng”, ông Thiều phân trần.
Họ cũng phải làm tất cả các thủ tục, được bình luận, xem xét, được bỏ phiếu kín và khi đạt quá bán trong hội đồng mới được đưa lên xét trên BCH. Chủ tịch Hội nói rằng chiều các nhà văn rất khó, tuy thế BCH vẫn thống nhất thay đổi đơn xin bằng bản đăng ký tham gia HNVVN cho nhẹ nhàng. Nhà văn Nguyễn Việt Hà bất ngờ xuất hiện trong dàn hội viên mới. Tác giả Cơ hội của chúa chỉ cười khi được hỏi về lí do gia nhập hội. Anh nói rằng không nên nặng nề chuyện ra-vào Hội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không giấu giếm chuyện vận động, khuyến khích các nhà văn có tên tuổi, mà thực tế không chỉ mời hay vận động đâu mà ông Thiều còn “ép”.
Trở lại với ồn ào Nguyễn Hữu Hồng Minh, ông Thiều thẳng thắn, 19 năm trước từng phản đối quyết liệt Lỗ thủng lịch sử, nhưng 19 năm trôi qua, quá khứ không được quên nhưng “có những điều trong quá khứ không lấy để bàn những vấn đề của hiện tại”. “Chính vì quan điểm đó mà hội đồng văn xuôi đã bỏ phiếu gần như 100% cho Nguyễn Hữu Hồng Minh. BCH cũng đã bỏ phiếu. Chúng tôi bàn luận kỹ trước khi bỏ phiếu”, ông Thiều nói. Ông cho biết ngày 10/2/2022, ông Nguyễn Hữu Hồng Minh gửi lá thư xin rút khỏi việc xét vào Hội. Ông Thiều cố thuyết phục để BCH tiếp tục xem xét, nhưng không được.
Được mùa văn, vắng mùa thơ
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 có cả thảy 216 tác phẩm đề cử từ vòng sơ khảo, trong đó thơ áp đảo với 91 tác phẩm, văn xuôi 70 tác phẩm. Ba tác phẩm thơ vào chung khảo Xứ rung một ngọn mây của Trần Lê Khánh, Hoa linh thảo của Nguyễn Linh Khiếu và Ghi chú sau mây của Nguyễn Hữu Thỉnh. Ông Thỉnh rút tập thơ dự giải vào phút chót vì ngại ngần. Hai cuốn còn lại không có cuốn nào quá bán nên thơ năm nay mất mùa. “Cho dù Giải thưởng năm 2021 không có thơ nhưng ba tập thơ vào chung khảo cho thấy thơ ca đang trên đà chuyển động đáng mừng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN nhận định.
Hội đồng giải thưởng trao cho Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương-Phó Chủ tịch Hội. Tác phẩm còn lại vào chung khảo hạng mục Văn xuôi là Nhà thánh của Vũ Thanh Lịch. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được đánh giá cao của hội đồng chuyên môn bởi “có tính khái quát rất cao một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội chúng ta”. Từ vụ án một người buôn bốn cân chè mà mất hai mạng người rúng động ở đất Thái Nguyên một thời, tác giả dựng lại thời đói khổ, vô lý, ấu trĩ, cái ác lên ngôi… “Tiểu thuyết dựng lên một không gian mà cái ác bao trùm khiến người đọc bị cuốn theo mê trận, đau đớn, xót xa và bừng tỉnh”, Trần Đăng Khoa nhận xét.
Các thể loại khác đều tìm ra chủ nhân giải thưởng: Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ của Trương Đăng Dung ở mục Lý luận phê bình; Châu Phi nghìn trùng do Hà Thế Giang dịch. Đáng chú ý, Văn học thiếu nhi tìm được giải thưởng sau hơn chục năm vắng bóng (Hội vừa rồi mới thành lập giải thưởng riêng cho các sáng tác cho thiếu nhi). Năm nay, Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng được đề cử và lọt vào chung khảo cùng hai tác phẩm khác. Trần Đăng Khoa thay mặt lãnh đạo Hội nhận xét, Mùa tiểu học cuối cùng có cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và giọng văn phù hợp với các nhân vật ở lứa tuổi. “Có thể nói rằng Giải thưởng năm nay đã lựa chọn một cách khá chính xác những tác phẩm tiêu biểu, phần nào phản ánh thực trạng và thực lực của các thể loại văn học trong năm 2021”, ông Khoa nhận định.