Hội Nông dân Đắk Mil đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế

Đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế là một trong những hoạt động được Hội Nông dân huyện Đắk Mil chú trọng triển khai thực hiện và đạt những kết quả tích cực.

Một trong những giải pháp được các cấp hội nông dân huyện chú trọng đó là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân nhằm phát huy tính tự chủ, tự lực trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Công tác tuyên truyền được thực hiện song song với đẩy mạnh Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, Hội kêu gọi những hội viên sản xuất giỏi hỗ trợ hội viên nghèo về vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật để từng bước vươn lên.

 Từ vườn cà phê già cỗi, ông Tống Hoàng Lập (bên phải) ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã chủ động chuyển đổi sang trồng xoài, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn

Từ vườn cà phê già cỗi, ông Tống Hoàng Lập (bên phải) ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã chủ động chuyển đổi sang trồng xoài, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn

Theo ông Phan Hữu Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Mil, toàn huyện hiện có hàng ngàn hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp Trung ương có 16 hộ, cấp tỉnh 570 hộ, cấp huyện 1.335 hộ, cấp xã 4.339 hộ. Nhiều hội viên, nông dân trong huyện đã có những chuyển biến tích cực trong thay đổi thói quen, tư duy sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, nhất là kết hợp giữa sản xuất với kinh doanh, hoặc trồng nhiều loại cây, con trên cùng một diện tích đất…

Đơn cử, ông Văn Minh Thuận ở thôn Đức Hòa, xã Thuận An với 12 ha đất, ông đã trồng nhiều loại cây như cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng, chăn nuôi bò, dê cá và phát triển dịch vụ vận tải… Hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông Thuận thu về 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Thuận còn thường xuyên hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho hàng chục hộ gia đình khó khăn vay vốn phát triển sản xuất không lấy lãi.

Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 5, xã Đắk Lao có khoảng 9 ha đất thì trồng tiêu, cà phê xen bơ, sầu riêng, hoa màu, chăn nuôi gà, ngan, cá… Hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông Sơn thu về khoảng 900 triệu đồng. Ông đã giúp đỡ cho 22 hội viên, nông dân về cây giống, 5 tấn cà phê không tính lãi, hướng dẫn bà con làm phân bón hữu cơ sinh học từ vỏ cà phê bón cho cây trồng.

Ông Lê Trung Thành ở thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk với 4,2 ha đất, trồng cà phê và xây dựng 2 trang trại nuôi heo với 2.000 con heo thịt, 2 trang trại nuôi gà khoảng 20.000 con gà thịt, kinh doanh vật liệu xây dựng… Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thành thu nhập khoảng 2,1 tỷ đồng. Điều đáng nói, ông đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho 25 hộ nghèo không tính lãi để phát triển kinh tế; hỗ trợ vật tư cho 2 hộ nghèo xây dựng nhà ở và sửa nền nhà cho các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ trị giá 80 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ 4,5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn…

Cũng theo ông Thọ, Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau thoát nghèo đã tạo nên khí thế sôi nổi, động lực để các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống mà minh chứng rõ nhất là hỗ trợ hộ nghèo về vốn, cây, con giống, khoa học kỹ thuật…

Bên cạnh đó, Hội còn thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên thông qua các nguồn vốn vay. Tính đến nay, toàn huyện huy động được 5,6 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân triển khai cho 16 dự án với 185 lượt hộ vay. Điển hình như Dự án cải tạo, nâng cấp vườn cà phê tại các xã Thuận An, Long Sơn, Đắk Lao, Đắk Sắk; Dự án chăn nuôi bò thực hiện tại các xã Đắk Lao, Đắk Gằn, Đắk N’Drót, Đắk R’la…

Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi là con em hội viên, nông dân. Thông qua các dự án vay vốn này, Hội đã thành lập được các tổ hợp tác sản xuất về trồng xoài, chăn nuôi bò…

Cùng với phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay, công tác tuyên truyền, tập huấn, hội thảo về chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hội viên, nông dân cũng được các cấp hội nông dân chú trọng. Các cấp hội còn chủ động phối hợp với công ty phân bón cung ứng 450 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm với số tiền gần 4,1 tỷ đồng cho hội viên, nông dân đầu tư sản xuất. Việc xây dựng các mô hình trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP tại xã Đắk Gằn cũng được triển khai có hiệu quả...

Bài, ảnh: Hoàng Bảo

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/hoi-nong-dan-dak-mil-dong-hanh-cung-hoi-vien-nong-dan-trong-phat-trien-kinh-te-76944.html