Hội Nông dân Đình Lập: Phát huy hiệu quả vốn chính sáchTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch
'Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đã phối hợp với ngân hàng làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay, kịp thời thông tin những khó khăn, vướng mắc để ngân hàng có hướng giải quyết, tháo gỡ. Nhờ đó, nhiều năm liền hội không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt 99%.
Hội viên nông dân xã Đình Lập sử dụng hiệu quả vốn vay phát triển rừng thông
– Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đình Lập đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp hàng trăm lượt hội viên được hưởng vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bà Nông Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với NHCSXH. Đồng thời, chỉ đạo hội nông dân cấp cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi; hướng dẫn sử dụng vốn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện quản lý 28 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), số tổ hoạt động đạt chất lượng tốt chiếm 92%, còn lại là tổ hoạt động khá, không có tổ hoạt động trung bình và kém. Đến nay, tổng dư nợ của hội đạt 46,275 tỷ đồng với 719 hộ vay, tăng 12,231 tỷ đồng so với năm 2018. Từ nguồn vốn chính sách, các hội viên có vốn để đầu tư trồng, chăm sóc rừng (thông, bạch đàn, keo), chăn nuôi (trâu, bò)…
Ông Phương Thanh Ngôn, thôn Tà Hón, xã Đình Lập chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đất đồi rừng lớn nhưng lại thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2014, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để chăm sóc 4 ha thông sắp đến tuổi khai thác. Từ năm 2016 đến nay, từ khai thác nhựa thông đem lại cho gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Nhờ đầu tư hiệu quả, năm 2018, gia đình tôi thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Năm 2019, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để chăm sóc và trồng mới thêm 4 ha thông.
Không chỉ gia đình ông Ngôn, đến nay, trên địa bàn huyện Đình Lập có nhiều gia đình hội viên nông dân nhờ vay vốn từ NHCSXH đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ năm 2019 đến nay, hội đã giúp 192 hộ hội viên nông dân thoát nghèo, số hội viên thuộc diện hộ nghèo chỉ còn 513/4.672 hội viên. Riêng trong năm 2021, toàn huyện có 323 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 21 hộ so với năm 2020).
Để đạt được những kết quả đó, hằng năm, cán bộ hội, Ban quản lí tổ TT&VV, tổ trưởng tổ TK&VV đều tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn, sử dụng vốn vay do NHCSXH huyện tổ chức. Để công tác quản lý vốn hiệu quả, hội đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện trong công tác kiểm tra, giám sát. Trong 10 tháng đầu năm 2021, hội đã kiểm tra 100% tổ TT&VV tại 9/9 xã, thị trấn; mỗi xã kiểm tra 15% số tổ TT&VV và tối thiểu 5 hộ vay… Qua kiểm tra cho thấy các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đúng hạn.
Ông Chu Văn Đạt , Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Mộc cho biết: Trong quá trình sử dụng nguồn vốn, cán bộ hội thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nếu có khó khăn sẽ thông tin trực tiếp với cán bộ ngân hàng tại buổi giao dịch hằng tháng. Đến nay, dư nợ của hội trên địa bàn xã đạt 7,5 tỷ đồng với 103 hộ vay. Các hộ sử dụng vốn hiệu quả, hội không có nợ quá hạn. Nguồn vốn được các hộ sử dụng để trồng rừng, chăn nuôi…, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, để hội viên sử dụng vốn có hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Đơn cử như từ đầu năm 2021 đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 3 lớp tập huấn cho 1.086 lượt hội viên nông dân tham dự; cấp phát 382 bộ tài liệu về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên. Qua đó, hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đình Lập tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn và giúp đỡ hội viên vay vốn ưu đãi. Từ đó, góp phần vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội của huyện.