'Hồi sinh' các làng hoa sau bão

Bão Yagi (cơn bão số 3) với sức tàn phá lớn đổ bộ vào một số tỉnh, thành phía Bắc nước ta gây thiệt hại nặng nề. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, bão Yagi ước tính gây thiệt hại khoảng trên 560 tỷ đồng. Tại các địa phương chịu ngập lụt sau bão, nhiều tài sản, nhà cửa, hoa màu của nhân dân bị hư hại. Đặc biệt, ở một số xã, phường được coi là “vựa” hoa lớn của thành phố, hàng trăm ha các loại cây hoa gần như mất trắng. Để “hồi sinh” các làng hoa, chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ vay vốn, cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây…

Gia đình anh Hoàng Văn Tiến, tổ dân phố số 2, phường Nam Phong đang chăm sóc vườn hoa sau trận lũ lịch sử.

Gia đình anh Hoàng Văn Tiến, tổ dân phố số 2, phường Nam Phong đang chăm sóc vườn hoa sau trận lũ lịch sử.

Gần 2 tháng sau bão, những cánh đồng hoa ở các tổ dân phố số 1, 2 trên địa bàn phường Nam Phong (thành phố Nam Định) đã “xanh hóa” trở lại. Màu xanh của những ruộng cúc giống lẫn cúc thương phẩm đang dần phủ những diện tích đất hoa bị ngập lụt trước đây. Trong trận lụt do bão Yagi, phường Nam Phong bị ngập toàn bộ diện tích trồng hoa, trong đó có 55ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng. Vừa nhanh tay nhổ cỏ, kiểm tra sâu bệnh trên ruộng cúc thương phẩm, chị Trần Thị Yến, tổ dân phố số 1 vừa cho biết: “Gia đình tôi có nghề trồng hoa lâu đời, chủ yếu trồng các loại cúc và hồng. Hiện, gia đình có hơn 6 sào hoa cúc. Do ảnh hưởng bão, các ruộng cúc của gia đình bị ngập quá ngọn, chết hết. Ngay sau khi nước rút, vợ chồng tôi nhanh chóng dọn dẹp cây trồng, làm đất và tìm nguồn giống để kịp thời gieo trồng vụ hoa mới”.

Lũ rút đã để lại phù sa màu mỡ bồi đắp cho cánh đồng, giúp cây hoa phát triển tươi tốt.

Lũ rút đã để lại phù sa màu mỡ bồi đắp cho cánh đồng, giúp cây hoa phát triển tươi tốt.

Khác với gia đình chị Yến chuyên trồng cúc, gia đình anh Hoàng Văn Tiến, tổ dân phố số 2, phường Nam Phong chỉ chuyên trồng hoa hồng. Anh Tiến hiện có 6 sào hoa hồng. Mặc dù bị ngập lụt nhưng do hồng là giống cây tương đối khỏe nên ruộng hồng của anh Tiến không bị chết quá nhiều. “Để “cứu” ruộng hoa, sau khi nước rút bớt tôi đã tìm cách tháo nước trong các chân ruộng. Nước rút hết, tôi sử dụng các loại thuốc kích rễ hỗ trợ cho cây sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, tôi bón thêm các loại phân, các loại thuốc phòng trừ nấm, sâu bệnh. Vì vậy, ruộng hồng của tôi phục hồi tương tương đối nhanh, hy vọng tết sẽ cho thu hoạch”, anh Tiến chia sẻ.

Những cánh đồng hoa phường Nam Phong (thành phố Nam Định) đang hồi sinh từng ngày.

Những cánh đồng hoa phường Nam Phong (thành phố Nam Định) đang hồi sinh từng ngày.

Với 65,13ha lúa bị mất trắng, trên 250ha trồng hoa, nằm ở cả trong khu dân cư và ngoài bãi ven sông Hồng bị ngập úng hoàn toàn, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3. Bị úng ngập và hư hại cả 3 sào hoa cúc, gia đình ông Phạm Văn Nguyên, thôn Bình Dân “trắng tay” sau bão. Vụ lụt vừa rồi, ước tính gia đình thiệt hại khoảng hơn 300 triệu đồng. Ông xác định, thiên tai qua rồi, bây giờ chỉ còn cách cố gắng chắt chiu, cày cuốc, sớm vực dậy sau bão. Để “hồi sinh” 3 sào hoa, ông Nguyên quyết định thay đổi giống cây. “Trước đây tôi chuyên trồng các loại cúc vàng và cúc trắng. Hoa cúc có các ưu điểm như nhanh cho thu hoạch, dễ trồng tuy nhiên đây cũng là giống cây chịu úng ngập kém. Vì vậy, sau đợt bão này, tôi chuyển sang trồng dơn. Để trồng giống hoa mới, gia đình tôi cải tạo đất, nhập củ giống từ Đà Lạt và Đông Triều (Quảng Ninh) về ươm trồng. Nếu thời tiết thuận lợi, tết này tôi sẽ có vụ hoa dơn đầu tiên”, ông Nguyên khẳng định. Không chỉ riêng ông Nguyên, nhiều hộ gia đình khác ở Mỹ Tân cũng đã chuyển đổi giống cây trồng nhằm đảm bảo có thu nhập kịp thời cho dịp tết.

Người trồng hoa tranh thủ thời tiết nắng ấm chăm sóc ruộng hoa

Người trồng hoa tranh thủ thời tiết nắng ấm chăm sóc ruộng hoa

Quyết tâm phục hồi sản xuất sau bão, tuy nhiên nhiều hộ gia đình trồng hoa trên địa bàn thành phố Nam Định đang gặp các khó khăn về vốn, nguồn cung các giống cây. “Sau bão, các ruộng hoa chết hết nên nguồn giống cây hoa rất khan hiếm. Để trồng mới, nông dân buộc phải mua giống, đẩy giá cây, củ giống lên cao “chóng mặt”. Để trồng được 1 sào hoa cúc, tôi phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng tiền mua cây giống, chưa kể chi phí cho các loại phân bón, thuốc men kích hoa, kích rễ. Giá cây giống quá cao, cộng thêm mất mùa hoàn toàn nên một số hộ gia đình không có tiền tái đầu tư. Như nhà tôi, hiện chỉ trồng mới được 3 sào hoa, hơn 3 sào còn lại vẫn đang để đất trống”, chị Trần Thị Yến cho biết.

Nhằm hỗ trợ các hộ gia đình phục hồi sản xuất tại các làng hoa, cấp ủy, chính quyền các phường, xã trên địa bàn thành phố Nam Định đã kết hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng bàn bạc, tìm cơ chế hỗ trợ người dân vay vốn cũng như giãn nợ, không thu lãi ở thời điểm hiện tại; hướng dẫn các biện pháp khử trùng đất, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trồng những loại cây hoa ngắn ngày, thích nghi tốt với thời tiết…

Những bông hoa vươn mình lên sau bão lũ.

Những bông hoa vươn mình lên sau bão lũ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, sự chủ động, nỗ lực vượt khó của người nông dân, hàng trăm ha đất trồng hoa của thành phố Nam Định đang được "hồi sinh" mạnh mẽ từng ngày. Xen lẫn giữa màu xanh mướt của những ruộng cúc, ruộng hồng, ở những chân ruộng cao hơn đã thấy lác đác các khóm cúc vàng, cúc trắng còn sót lại sau ngập lụt nở hoa. Chỉ còn vài tháng nữa là đến tết, hy vọng với tinh thần vượt khó của người nông dân cộng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, những vựa hoa của thành phố Nam Định nhanh chóng phục hồi, mang lại thu nhập ổn định, bù lại những thiệt hại sau bão, nắng mưa sớm hôm trên cánh đồng của người trồng hoa.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202411/hoi-sinhcac-lang-hoa-sau-bao-c247a4d/