Hồi sinh cho bệnh nhi 11 ngày tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E phẫu thuật cứu sống thành công bệnh nhi (mới 11 ngày tuổi, nặng 2,3kg ở Hòa Bình) mắc bệnh cửa sổ chủ phế - một bệnh tim bẩm sinh rất hiếm gặp, gây suy tim và có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhi đang dần bình phục sau ca phẫu thuật.

Đặc biệt với ca phẫu thuật này là thay vì phải cưa xương ức, các bác sĩ Bệnh viện E đã quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật đóng cửa sổ phế chủ ít xâm lấn cho bệnh nhi, giúp trẻ không phải cưa xương ức...

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở tăng dần, thở nhanh, bỏ bú, suy tim nặng… Trước đó, bệnh nhi đã được xác định mắc bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp từ khi còn trong bào thai thông qua siêu âm tầm soát. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định giữ thai vì song sinh với bệnh nhi có thêm một em bé khác…

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã nhanh chóng hội chẩn và lên phương án điều trị, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ. Các bác sĩ đã lựa chọn phương án phẫu thuật đóng cửa sổ bằng phương pháp ít xâm lấn để tránh cho bệnh nhi phải trải qua một cuộc phẫu thuật mổ mở và cưa xương ức nặng nề.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Tiến, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, cửa sổ chủ phế là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp (chiếm 0,5% trong số các bệnh lý tim bẩm sinh), là tình trạng có sự thông thương giữa động mạch chủ lên và động mạch phổi ngay trên van sigma. Đây là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, do bất thường trong sự vách hóa thân chung của động mạch thành động mạch chủ và động mạch phổi.

Theo bác sĩ Anh Tiến, cửa sổ chủ phế chia làm 3 type (phụ thuộc vào vị trí của cửa sổ). Nếu trường hợp kích thước cửa sổ nhỏ, người bệnh có thể được điều trị được bằng thuốc, sau đó đợi đủ điều kiện mới tiến hành phẫu thuật. Còn trong trường hợp người bệnh không đáp ứng thuốc, bị suy tim nhiều, tăng áp lực động mạch phổi nặng, bắt buộc các bác sĩ phải lựa chọn phương án phẫu thuật sớm để giữ tính mạng cho bệnh nhi trước tiên.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhi.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhi.

"Đây là một ca bệnh đặc biệt, bệnh nhi được phát hiện khi còn trong bào thai, thai đôi do đó khi sinh trẻ chỉ có 2,3kg. Vấn đề khó đặt ra cho các bác sĩ vì với cân nặng thấp sẽ có nhiều nguy cơ khi phẫu thuật với tuần hoàn ngoài cơ thể vì trẻ có cân nặng dưới 3kg là một yếu tố nặng khi phẫu thuật sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Do vậy, phương án đầu tiên các bác sĩ nghĩ đến là sẽ dùng thuốc để điều trị, đợi cho đến khi bệnh nhi đủ điều kiện về mọi mặt mới tiến hành phẫu thuật cho người bệnh.

Tuy nhiên, khi điều trị thuốc thể trạng của trẻ không đáp ứng thuốc, tình trạng suy tim nặng hơn, có nguy cơ tử vong cao khiến cho các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cần ngay lập tức lên phương án phẫu thuật cho con", bác sĩ Anh Tiến nói.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm mổ ít xâm lấn cho trẻ em tim bẩm sinh, sau khi hội chẩn và tính toán hết các khả năng có thể xảy ra đối với bệnh nhi, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em quyết định lựa chọn phương án phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải vá cửa sổ chủ phế cho bệnh nhi này, giúp cho trẻ không phải cưa xương ức, hồi phục sau mổ nhanh và thẩm mỹ.

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện ca mổ này, Tiến sĩ Anh Tiến cho biết, bệnh nhi mới chào đời được 11 ngày, cân nặng rất thấp và cháu bị cửa sổ type 2 nên việc phẫu thuật ít xâm lấn sẽ khó khăn hơn nhiều do trường mổ nhỏ, vị trí cửa sổ gần với quai động mạch chủ. Nhưng với sự hội chẩn và kinh nghiệm của mình chúng tôi đã thực hiện thành công được kỹ thuật này.

Theo Tiến sĩ Tiến, trước đây khi trẻ mắc căn bệnh này thì bệnh diễn biến rất nặng nề và thường tử vong trước khi 15 tuổi. Nếu không phẫu thuật sớm, khoảng 40% trẻ tử vong trong năm đầu tiên. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể kể đến như: suy tim, tăng áp phổi, viêm phổi, hội chứng Eisenmenger…

Nhưng nay, với sự phát triển cùng xu thế hiện nay trên thế giới, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó kỹ thuật ít xâm lấn được ưu tiên, chú trọng, nhất là trong phẫu thuật tim bẩm sinh.

"Với cơ thể trẻ em đang nhỏ, các kỹ thuật ít bị xâm lấn sẽ rất có lợi cho quá trình điều trị và trưởng thành sau này, đem lại hiệu quả cao như: người bệnh không phải chịu đau đớn sau mổ, hồi phục sau mổ tốt; không xuất hiện tình trạng biến dạng xương ức sau mổ; đặc biệt là các trẻ nữ vấn đề thẩm mỹ không còn đáng lo ngại", Tiến sĩ Anh Tiến nói.

Bệnh nhi hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật đặc biệt.

Bệnh nhi hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật đặc biệt.

Chuyên gia này khuyến cáo, cửa sổ chủ phế là một bệnh lý tim bẩm sinh hiếm gặp, bệnh gây ra những biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong cao, do đó việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng. Rất may mắn, đây là một bệnh lý có thể phát hiện thông qua sàng lọc trước sinh.

Do vậy, mẹ cần thăm khám đầy đủ khi mang thai để tầm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi, trong trường hợp không may phát hiện ra các bất thường về tim của trẻ, các bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi thai và đưa ra phương án điều trị sớm nhất, giúp mang lại trái tim khỏe mạnh cho con.

MẠNH TRẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-sinh-cho-benh-nhi-11-ngay-tuoi-mac-benh-tim-bam-sinh-hiem-gap-post832637.html