Hồi sinh đất bom mìn - Bài 1: Dọn dẹp hậu chiến

Chiến tranh lùi xa 45 năm nhưng di chứng mà nó để lại ở mảnh đất Quảng Trị vẫn âm ỉ. Việc dọn dẹp hậu chiến để cuộc sống người dân được bình an, để nhà đầu tư khắp nơi tìm đến, có sự góp phần không nhỏ của hàng ngàn con người tham gia rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Đội rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị di chuyển bom về bãi hủy nổ tập trung

Lặng lẽ bên “thần chết”

Như mọi ngày, sau khi khoác bộ đồng phục kaki, đội nón tai bèo, mang giày bốt, Trương Thị Thu Vân (25 tuổi, trú xã Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị) lặng lẽ với công việc của mình. Giữa khoảnh đất rộng 200m2 vừa khoanh vùng tại khu rừng tràm rộng 570.000m2 ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), 2 người trong đội của Vân dùng dây chia ô kích thước 50mx50m, rồi lại chia thành các luống ngang chừng 1,5m để rà tìm bom mìn. Cùng với Vân là chị Dương Thị Hồng (48 tuổi, trú TP Đông Hà), người đã 19 năm gắn bó với nhóm tư vấn bom mìn Mines Advisory Group/MAG, một tổ chức phi chính phủ hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo tại các khu vực đã hoặc đang xảy ra chiến sự. Tổ chức này được thành lập tại Vương quốc Anh vào năm 1989 và bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị từ năm 1999.

Hai người nhích chân từng xăngtimét để kéo máy dò kim loại chuyên dụng rộng tầm 1,5m² theo luống đất. Bất chợt, cả không gian yên tĩnh bị phá tan bởi tiếng kêu chói tai của máy rà khi phát hiện vật thể đáng nghi trong lòng đất. Lập tức, Vân dừng lại và cắm cờ đỏ định vị tại vị trí phát hiện để nhóm khác đến xử lý. Một nhân viên khác trong đội mang sẵn máy dò hình ô van, kích thước 308x170mm, gắn cán cầm tay tiến đến kiểm tra, xác định vị trí chính xác, sau đó dùng xẻng, dao đào nhẹ từng lớp đất xung quanh. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, các nhân viên tiến hành bóc tách dần lớp đất sâu cả mét cho đến khi phát hiện bom mìn hoặc vật liệu nổ… Cả đội họp lại đánh giá tình trạng để xác định nguyên lý, cơ cấu kíp nổ trước khi tháo dỡ. “Với các vật liệu nhạy nổ như bom bi, đạn chùm... thì hủy nổ tại chỗ, còn đạn mất kíp, bom lớn, đạn chưa sử dụng thì đưa về bãi nổ tập trung”, chị Lê Thị Bích Ngọc, Đội trưởng MAT19 (một trong số các đội rà tìm bom mìn của MAG mà Vân cùng 12 người khác là thành viên), nói. Việc hủy nổ tại chỗ do đội trưởng và đội phó đảm nhận vào cuối giờ chiều mỗi ngày.

Nắng mới lên nhưng sương mù dày đặc, cách vài mét là không nhìn thấy gì. Xe bán tải chở chúng tôi thận trọng bò lên dốc. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, con đường ngoằn ngoèo, vừa lọt đủ chiếc xe. Vị trí đặt trại dã chiến bằng lều bạt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào (địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) của đội rà phá bom mìn lưu động thuộc Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam (gọi tắt EOD), cận tầm mắt. Tại đây, một nhóm EOD đang dùng xẻng hì hục đào hố đất với đường kính khoảng 3,5m, sâu chừng 4m, xung quanh vị trí mà máy móc xác định là có quả bom lớn. Trong lúc đó, một nhóm khác đã buộc xong sợi dây thừng vào gốc cây lớn trên đỉnh đồi, rồi gắn với hệ thống thanh đỡ bố trí ở miệng hố. 3 nhân viên mang thiết bị chuyên dụng buộc chặt sợi dây thừng vào thắt lưng từng người, thả xuống hố mới đào để sục, xói tạo khoảng hở đầu đáy để ngòi nổ của bom không va chạm với bất kỳ vật dụng nào trong quá trình kéo bom ra khỏi lòng đất.

Chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên, Đội phó Đội rà phá hiện trường của EOD, cho biết, việc vô hiệu hóa bom mìn ở khu vực biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở, mà còn vì những bãi mìn ken đặc với nhiều loại mìn khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ. Chị Khuyên đưa chúng tôi đi tham quan bãi tập kết các loại bom mìn mà đội vừa lấy ra từ lòng đất tại khu vực này, cách vị trí đào bom khoảng 200m. Lật từng nắp thùng gỗ chỉ những quả bom nằm ngăn nắp theo từng loại, chị Khuyên giới thiệu: Đây là bom bi, đây là bom bướm, đây là đạn cối… “Những ngày đầu, có lúc em nghĩ mình không thể gắn bó với công việc này vì xa gia đình, con nhỏ, nắng lẫn mưa đều khổ. Giờ thì em đã quen với cái nóng ngót nghét 40°C, những đợt gió Lào quạt lửa, hay cái lạnh thấu xương. Từ lâu, em không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa”, chị Khuyên kể.

Ông Nguyễn Khắc Thắng, một trong 9 người vinh dự được cấp chứng chỉ xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế IMAS EDO III, nói: Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mọi động tác phải chính xác 100%. Phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc đang làm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và nhân dân. “Thời tôi viết đơn tham gia dự án, nhiều người can ngăn rằng: sao lao vào chỗ chết? Sau này, con trai tôi cũng chọn con đường mà tôi đang đi, người ta lại lắc đầu cho rằng cả nhà tôi có vấn đề. Tôi tự nhủ, ai cũng nghĩ thế thì đất Quảng Trị đến bao giờ ngừng tiếng bom”, ông Thắng chia sẻ.

Ngoài việc “giải phóng” đất đai cho các công trình phúc lợi, EOD còn hoạt động như một đội phản ứng nhanh, kịp thời xử lý khi người dân thông tin phát hiện ra bom mìn trong lúc làm nương rẫy hay đào móng xây nhà trên địa bàn toàn tỉnh.

Gieo vào đất sự bình an

Trảng cát rộng mênh mông ven xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong là bãi hủy bom mìn tập trung (quy định hoạt động vào ngày thứ sáu hàng tuần), có hàng chục loại bom mìn sát thương do nhân viên các dự án rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ ở Quảng Trị đưa về, chờ tiêu hủy. Cụ Nguyễn Văn Thành (70 tuổi, xã Triệu Sơn) mang trên mình không ít vết thương chiến tranh, đang tỉ mẩn khai hoang đất, tâm sự: Mỗi lần nghe tiếng nổ vọng lại từ cồn cát đằng xa, thay vì sợ hãi, lo lắng, người dân trong xã lại thở phào. Từ lâu, bà con nơi đây đã quen với hoạt động hủy nổ tập trung diễn ra ít nhất 2 lần/tuần trên địa bàn. Họ vui khi biết số bom mìn, vật liệu nổ vừa được cán bộ, nhân viên các tổ chức phi chính phủ xử lý, sẽ không còn đe dọa bất cứ ai. Trước kia, có thời điểm, một bộ phận người dân trong xã từng gác cày cuốc vì nỗi sợ mang tên bom mìn. Họ đã chứng kiến nhiều người sớm tinh mơ dắt trâu ra đồng và vĩnh viễn không trở về sau tiếng nổ vang khô khốc, lạnh lùng…

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, ở Quảng Trị đã hình thành những nhóm nông dân, thanh niên với một vài chiến sĩ công binh làm nòng cốt, vừa học vừa thực hành công việc tháo gỡ bom đạn để lấy đất canh tác, nhưng vì thiếu phương tiện, yếu kỹ thuật nên tai nạn bom mìn xảy ra thường ngày. Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, số liệu do Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam công bố năm 2018, diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn tại Quảng Trị lên đến 82%, cao nhất trong cả nước. Cùng với các tổ chức phi chính phủ, Quảng Trị đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án giảm thiểu tai nạn bom mìn, giải phóng đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ khoảng 70 vụ tai nạn bom mìn mỗi năm, sau khi Quảng Trị hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động bom mìn (1995-2015), năm 2017 là năm đầu tiên Quảng Trị không có tai nạn bom mìn. Kết quả ấy cũng chính là khát vọng, mục tiêu của cán bộ, nhân viên đang làm việc cho các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ trên địa bàn, góp phần giảm tai nạn và thương vong gây ra bởi bom mìn sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoi-sinh-dat-bom-min-bai-1-don-dep-hau-chien-650279.html