'Hồi sinh' ngoạn mục cho những bệnh nhân bị máy cuốn lột toàn bộ da đầu nguy kịch
Bệnh nhân bị lột toàn bộ phần da đầu cùng với hai tai, hai mi mắt và kéo dài qua má xuống gần đến vùng cằm ở cả hai bên khiến cuộc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn.
Những ca bệnh này, bệnh nhân không chỉ là được cứu sống khi đang bị nguy kịch mà còn được phẫu thuật để giữ được dung mạo, trở lại với cuộc sống thường ngày.
Trắng đêm nối da đầu cho bệnh nhân bị cuốn vào máy khoan giếng
11h đêm ngày 22/4/2023, bệnh nhân nữ 43 tuổi, làm bún tại thành phố Điện Biên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng sốc, mất máu nhiều, toàn bộ da trán và da đầu bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ.
Trước đó, trong lúc đang phụ chồng khoan giếng, mái tóc dài của chị không may bị cuốn vào máy khoan, dẫn đến tai nạn đau lòng trên. Gia đình vội đưa chị đến BVĐK tỉnh Điện Biên. Do mất máu quá nhiều và quá đau đớn, chị đã rơi vào trạng thái sốc.
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử lý sốc, cầm máu, truyền máu, an thần, đặt ống nội khí quản. Tiên lượng không thể nối lại mảnh da đầu đứt rời tại bệnh viện mình, các bác đã xử lý bảo quản mảnh đứt rời rồi liên lạc với bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai.
Ròng rã trên quãng đường xa hơn 500 cây số, cuối cùng sau tai nạn 12 tiếng, bệnh nhân cũng đến được Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này, tất cả các bác sĩ trong khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã có mặt đông đủ, các bác sĩ trực cấp cứu, gây mê, huyết học, chẩn đoán hình ảnh đã được báo trước, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân kịp thời nhất.
Bệnh nhân khẩn trương được làm các xét nghiệm cần thiết cũng như hồi sức để toàn trạng được ổn định. Sau 1 giờ 30 phút, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật. Do tính chất phức tạp của ca phẫu thuật (mảnh da đầu bị đứt rời thành 2 mảnh, dập nát, nhiều dị vật), các phẫu thuật viên được chia thành 3 kíp: 2 kíp làm sạch và chuẩn bị mạch tại mảnh da đầu, 1 kíp phẫu thuật tìm và chuẩn bị mạch nhận.
Sau khoảng 3 giờ, việc nối lại mảnh da đầu đầu tiên (bên phải) được hoàn thành với 1 mối nối động mạch và một mối nối tĩnh mạch. Tương tự như vậy, mảnh da đầu thứ 2 cũng được nối lại với 1 động mạch và 1 tĩnh mạch.
Cuộc phẫu thuật kết thúc lúc 6 giờ 30 phút của ngày hôm sau. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và hồi sức tại phòng điều trị tích cực trong 2 ngày sau đó. Trong quá trình này, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 8 đơn vị máu (tương đương 2000 cc).
Sau phẫu thuật, mảnh da ghép được theo dõi thường xuyên, có 2 mảnh nhỏ bị hoại tử do bị dập nát nhiều. Sau một tháng, da đầu đã sống và có khả năng mọc tóc khoảng 90%. Hiện tại, toàn bộ vết thương của bệnh nhân đã lành.
Đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh
Không chỉ bệnh nhân trên được nối lại da đầu thành công, tháng 2/2023, sau 8 tháng gặp phải tai nạn kinh hoàng bị máy làm giấy lột toàn bộ da đầu cùng hai tai và hai mí mắt trên, chị L.T.N, 36 tuổi, ở Tam Đường, Lai Châu đã có thể quay lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám lại với mái tóc dài ngang vai.
Đây là sự thành công của cuộc phẫu thuật "ngàn cân treo sợi tóc" và sự cố gắng cứu người bệnh của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trước đó.
TS.BS Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia thực hiện ca mổ cho biết: Nối lại da đầu đứt rời với kỹ thuật khâu phục hồi mạch máu dưới kính hiển vi vẫn đang là phương pháp tối ưu nhất cho đến thời điểm hiện tại. Đây là ca phẫu thuật phức tạp, thời gian mổ kéo dài tới gần 10 giờ đồng hồ nên cần phải đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và đồng đều giữa các chuyên khoa trong bệnh viện.
"Bên cạnh phần da đầu bị lột rộng cùng với hai tai và hai mi mắt thì vết thương còn kéo dài qua má xuống gần đến vùng cằm ở cả hai bên, tổn thương này làm kéo dài thêm thời gian phẫu thuật. Việc phục hồi mạch máu cũng gặp nhiều khó khăn do các mạch máu ở vùng thái dương hai bên bị dập nát.
Các bác sĩ đã phải nối lại các mạch máu nhỏ ở hai bên thái dương. Mạch máu nhỏ nhất được ghép nối ở đây là nhánh mạch dưới da vùng cung mày với kích thước chỉ khoảng 0,5 mm nhỏ hơn cả đầu que tăm và chỉ khâu siêu vi phẫu 11/0", bác sĩ Trực chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, đây có lẽ là một trong những trường hợp lột da đầu rộng và phức tạp nhất từ trước tới nay.
Gặp những tổn thương này, việc sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng như hồi sức, cầm máu tốt, bảo quản đúng và kịp thời chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ khả năng phẫu thuật càng sớm càng tốt sẽ giúp tăng khả năng thành công của phẫu thuật.
Theo vị chuyên gia này, đối với các trường hợp không thể nối lại vi phẫu, sẽ rất khó cho các bác sĩ để có thể tạo hình lại cho người bệnh, dù có trải qua hàng chục ca mổ, vài năm điều trị và tốn cả tỷ đồng thì cũng chỉ có thể phục hồi được phần nào mà vẫn để lại những di chứng hết sức nặng nề.