'Hồi sinh' phố cổ Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái bằng công nghệ 3D mapping
Lần đầu tiên, những con phố cổ Hà Nội trong tranh họa sỹ Bùi Xuân Phái, với kích thước thật sẽ được hồi sinh bằng công nghệ 3D mapping và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đặc biệt.
Vào 15h30 ngày 10/10, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội), triển lãm tranh “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” sẽ chính thức khai mạc. Hơn 100 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái về các chủ đề: Phố Phái, Chèo Phái, Phái với bạn bè sẽ được trình chiếu bằng công nghệ mới, đưa đến người xem nhiều trải nghiệm thú vị.
Triển lãm là một hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019).
Với mục tiêu đưa nghệ thuật và công nghệ đến gần hơn với cộng đồng, Bảo tàng Hà Nội đã kết hợp cùng các đơn vị sử dụng công nghệ 3D mapping, và các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt trong triển lãm này, nhằm tái hiện một không gian mới đầy màu sắc nhưng cũng rất thú vị và ấn tượng.
Công nghệ 3D mapping là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim, sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật. Sau đó từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật sẽ tạo các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh để tạo 3D, sau đó trình chiếu.
Bên cạnh việc giới thiệu các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, triển lãm còn giành một không gian trải nghiệm, giúp khách tham quan có điều kiện tương tác với tranh của danh họa, đắm mình vào tác phẩm. Không gian trưng bày được kết hợp giữa tả thực và sân khấu hóa tạo thị giác, thính giác cho người xem.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25/10.
Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên – những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã từng nhận xét, vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một Phố Phái hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố. Và cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ, người ta mới nhận ra tầm vóc của ông.
Sinh thời, mỗi ngày ông thường xuyên đi tản bộ giữa lòng phố cổ, khi cần ông dừng lại để ghi chép. Ít khi ai gặp Bùi Xuân Phái vẽ ngay trên phố, tất cả tranh phố hầu hết được vẽ theo trí nhớ. Đối với ông Hà Nội đã quá thân thuộc, ông vẽ phố như trò chuyện với người bạn tri kỷ.
Cho nên người xem thấy Phố Phái quen mà lạ. Quen vì mọi người nhanh chóng nhận ra phong cảnh vì phố thực, nhưng lạ vì cái thực ấy được nhìn qua lăng kính của Phái, tường thuật nhiều câu chuyện khác nhau trên cùng một khu phố, vẻ đẹp đời sống của người Việt Nam trong thế kỷ 20 đã được thể hiện theo phong cách và tình cảm sâu đậm của Bùi Xuân Phái.