Hồi sinh sự sống cho hai bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện ghép thận thành công, hồi sinh sự sống cho hai bệnh nhi bị suy thận giai đoạn cuối.
Ghép thận đầu tiên cho trẻ suy thận giai đoạn cuối, có đột biến gen thành công
SKĐS - Thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW phẫu thuật ghép thận thành công cho bé trai N.M.T (11 tuổi, ở Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen WT1.
Bệnh nhi thứ nhất được ghép thận thành công là bé trai L.Đ (11 tuổi, ở Hải Dương), cân nặng 21,5kg. Tháng 6/2019, do thấy con không tăng cân, còi cọc, gia đình cho trẻ đến kiểm tra sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được chẩn đoán suy thận mạn do thiểu sản thận hai bên.
Đầu năm 2021 đến nay, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, được các bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo chu kỳ ba lần/tuần.
Bệnh nhi thứ hai là bé trai L.H (7 tuổi, ở Thanh Hóa), được phát hiện suy thận do hai thận bị thiểu sản từ khi mới 3 tuổi. Bên cạnh đó bé còn mắc bệnh lý suy tuyến yên nên đã 7 tuổi mà chỉ cao 108cm, nặng 15kg.
Tuy đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bảo tồn từ khi phát hiện bệnh nhưng từ tháng 9/2020, bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chân tay hay co rút, có dấu hiệu tăng kali máu, mức lọc cầu thận giảm thấp và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, phải tiến hành lọc màng bụng.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định: ghép thận là biện pháp duy nhất có thể cứu sống hai trường hợp bệnh nhi trên.
Giữa thời điểm bệnh viện đang cùng cả nước dồn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19, các bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố, cho trẻ và người cho thận nhập viện trước khi ghép một tuần để đảm bảo các yếu tố phòng dịch trước, trong và sau ghép. Do đã được tính toán kỹ lưỡng, ngày 26 và 28/7/2021, hai ca phẫu thuật ghép thận diễn ra như dự kiến.
Hình ảnh ca ghép thận thực hiện tại BV Nhi Trung ương.
Chuẩn bị kỹ càng, phối hợp nhịp nhàng, dồn toàn lực để cứu sống bệnh nhi
ThS. BS Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, người trực tiếp phụ trách nhóm phẫu thuật thực hiện hai ca ghép thận cho biết, ca đầu tiên diễn ra trên bệnh nhi 11 tuổi, trẻ được ghép thận từ một người cho sống. Ca phẫu thuật diễn ra tương đối thuận lợi vì người cho thận không có bất thường về động mạch và tĩnh mạch máu.
Tuy nhiên, ca ghép thứ hai trên bệnh nhi L.H (7 tuổi) diễn ra khó khăn hơn vì trẻ có cân nặng thấp (15kg), đồng thời thận phải của người cho - là mẹ đẻ của bệnh nhi - có bất thường về mạch máu với 2 động mạch và 2 tĩnh mạch thận riêng biệt.
Nhóm phẫu thuật phải tiến hành trồng nhánh động mạch cực trên đường kính nhỏ (ϕ1.8mm) vào nhánh động mạch chính đường kính lớn hơn (ϕ3.8mm), sau đó nối động mạch với động mạch chủ của người nhận và lấy phần chung của hai tĩnh mạch thận về phía tĩnh mạch chủ, tạo hình tĩnh mạch chủ, sau đó nối với tĩnh mạch chủ người nhận.
Dưới sự chuẩn bị kỹ càng và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa Thận và Lọc máu, Ngoại tiết niệu, Gây mê, Hồi sức ngoại, các khối xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu…, hai ca ghép thận kéo dài trong hơn 3 giờ đã diễn ra thành công.
Sau phẫu thuật, cả hai bệnh nhi được chăm sóc hậu phẫu với chế độ hồi sức đặc biệt trong phòng vô khuẩn tại khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa và phòng cách ly tuyệt đối, khoa Thận và Lọc máu.
Tình trạng sức khỏe hai bệnh nhi dần ổn định, ăn uống tốt, chức năng thận trở về bình thường. Bé L.H đã được ra viện vào ngày 3/8, bé L.Q đươc xuất viện ngày 8/8. Hai người hiến thận cho hai bệnh nhi sức khỏe tốt, chức năng thận bình thường và đã được ra viện trước đó.
Bệnh nhi phục hồi tốt sau phẫu thuật.
TS. BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Các trường hợp bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối nếu không được điều trị thay thế thận, sẽ tử vong do các biến chứng của bệnh. Có ba phương pháp điều trị thay thế thận là ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc). Phương pháp thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc chỉ giúp trẻ duy trì sự sống, nguy cơ tử vong vì các biến chứng tim mạch rất cao, chất lượng cuộc sống rất thấp. Ghép thận là phương pháp tối ưu nhất mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống gần như trẻ bình thường.
Được biết, từ ca ghép thận đầu tiên năm 2004, đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép thận thành công cho hơn 40 trường hợp trẻ bị suy thận giai đoạn cuối, trong đó có ba trẻ cân nặng thấp dưới 15 kg. Thành công này không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn là động lực cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tiếp tục nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật; góp phần mở ra nhiều hi vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy thận giai đoạn cuối.