'Hồi sức' cho cây vải sau thu hoạch
Chăm sóc cây vải sau thu hoạch là công việc rất cần thiết của những người làm vườn, trong đó việc cắt cành, tạo tán là yếu tố có tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả của vụ vải năm sau. Do đó, trong quá trình chăm sóc, đòi hỏi người trồng vải không chỉ vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế mà cần phải kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, xã Tam Đa (Phù Cừ) hướng dẫn người dân kiểm tra, phòng, trừ sâu bệnh trên cây vải
Huyện Phù Cừ là địa phương có nhiều diện tích trồng vải lai chín sớm và vải trứng Hưng Yên với trên 893ha. Theo chia sẻ của các nhà vườn ở các xã có diện tích trồng vải lớn của huyện như các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tống Trân… việc “hồi sức” cho cây là việc đầu tiên các nhà vườn ở đây chọn làm ngay sau khi thu hoạch vải xong. Các công đoạn cắt tỉa cành, bón phân… cho cây vải được thực hiện sau khi kết thúc thu hoạch quả từ 10 - 15 ngày và phải hoàn thành trong tháng 10 để cây “đón” lộc, tích tụ phân hóa mầm hoa cho vụ vải năm sau.
Với 30 năm kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong thâm canh vải lai, ông Nguyễn Ngọc Lan, thôn Tam Đa, xã Tam Đa đã chủ động được việc ra hoa, đậu quả của cây vải lai. Nhờ vậy, với trên 1ha trồng vải lai, năm nào vườn của gia đình ông cũng sai quả, chất lượng tốt. Ông Lan cho biết: Giai đoạn sau thu hoạch, sức khỏe cây vải yếu nhất. Vì vậy, thời điểm này, tôi tập trung cắt tỉa bớt cành yếu làm cho cây phân hóa mầm nhanh, giảm sâu bệnh. Sau đó, tiến hành bón phân cho cây để giúp cây phục hồi, tạo đà tiếp sức cho vụ sau. Đây cũng là thời điểm cây vải dễ bị các loại sâu đo xanh, sâu cuốn lá, nhện đỏ… gây hại nên tôi chú trọng phun thuốc phòng, trừ”.
Tại xã Đa Lộc (Ân Thi), từ tháng 5 (âm lịch), những hộ dân trồng vải trứng Hưng Yên đã tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh cho cây. Với trên 26ha diện tích trồng vải trứng Hưng Yên, để bảo đảm năng suất, hiệu quả ngay từ lúc vải bắt đầu cho thu hoạch, ngành chuyên môn, địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung thu hoạch vải bảo đảm thời vụ và bắt tay chăm sóc ngay sau khi thu hoạch xong. Đồng chí Nguyễn Văn Giảm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăm sóc vải sau thu hoạch rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nó quyết định đến năng suất và chất lượng quả của vụ sau. Hằng năm, cùng với việc phối hợp tổ chức tập huẩn cho người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải trứng, xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn qua hệ thống truyền thanh để người dân có thể nắm bắt thông tin, chủ động chăm sóc vải sau thu hoạch.
Với khoảng 20ha trồng vải trứng, sau khi thu hoạch xong, các thành viên của Hợp tác xã vải trứng Hưng Yên ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc đều dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn để chăm sóc cây vải. Sau thời gian nuôi quả, cần nhanh chóng giúp cây phục hồi bằng cách bón phân sau khi tỉa cành, tạo tán tác động để kích thích bộ rễ phát triển mới. Anh Đoàn Văn Hiểu, thành viên HTX cho biết: Từ 10 - 15 ngày sau thu hoạch, tôi tập trung cắt, tỉa cành, bón phân cho cây vải. Từ 20 - 25 ngày sau thu hoạch, tôi tập trung phòng, trừ sâu bệnh để tránh gây hại cho lộc non. Trong suốt thời gian chăm sóc từ tháng 5 đến giữa tháng 10, tôi chỉ bón phân 1 lần để cây không bị thừa dinh dưỡng, phát lộc sớm. Đối với cây vải phát lộc lần 2 sớm cần khoanh gốc, khoanh cành để giảm dinh dưỡng, khắc phục tình trạng ra lộc sớm. Đặc biệt, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,4 nghìn ha trồng vải. Để tránh tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”, hàng năm, ngay sau khi thu hoạch vải xong, phòng nông nghiệp và PTNT các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân cắt tỉa cành, vệ sinh vườn sạch sẽ, sau đó kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ để cây đón lộc thu; phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại. Để cây vải sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề cho vụ vải năm sau, ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng vải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: Cắt tỉa toàn bộ những cành sâu, bệnh, cành trong thân nhằm tạo cho cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi những cành thu, hạn chế sâu, bệnh. Vệ sinh vườn, thu gom cành, lá góp phần hạn chế mầm bệnh gây hại cho cây. Bón phân, tưới nước cho cây, tùy thuộc vào độ tuổi, thực tế sinh trưởng, phát triển của cây để xác định liều lượng bón cho cây thích hợp.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202109/hoi-suc-cho-cay-vai-sau-thu-hoach-ddd5cf4/