Hội thảo '70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học'

Ngày 30/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức Hội thảo khoa học '70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học'.

Các đại biểu dự hội thảo “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.

Các đại biểu dự hội thảo “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.

Dự hội thảo có các nhà khoa học, đại diện gia đình các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử; đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo TP Hà Nội…

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị quân sự Trung Giã cả về mặt lý luận và thực tiễn, thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như: Khẳng định, làm sáng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhất là sự tài tình, sáng tạo trong cuộc đấu trí với thực dân Pháp trên bàn đàm phán, tiến tới kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo cũng đi sâu phân tích và làm rõ bối cảnh, tình hình, những sự kiện lịch sử của Hội nghị quân sự Trung Giã, từ đó khẳng định giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị quân sự Trung Giã, góp phần vào thành công của Hội nghị Geneva đi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô Hà Nội

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận, ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu, nổi bật là: Tham luận “Bối cảnh Hội nghị quân sự Trung Giã” của PGS, TS Nguyễn Văn Nhật, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; tham luận “Hội nghị quân sự Trung Giã với vấn đề chuyển quân tập kết và chuyển giao vùng” của Thiếu tướng, PGS, TS Đinh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng; tham luận “Hội nghị quân sự Trung Giã - Bài học cho đối ngoại quốc phòng giai đoạn hiện nay” của Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng…

Đoàn chủ tich điều hành hội thảo.

Đoàn chủ tich điều hành hội thảo.

Theo Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, trên cơ sở các tham luận, ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, bổ sung kết quả hội thảo. Đây là tài liệu quan trọng, góp phần làm sâu sắc giá trị lịch sử của Hội nghị quân sự Trung Giã; bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết những kinh nghiệm rút ra từ Hội thảo cần được vận dụng vào thực tiễn hoạt động xây dựng, phát triển Thủ đô, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn bảo vệ vững chắc Thủ đô. Cùng với đó, kết quả, ý nghĩa của Hội thảo cần được phát huy, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.

Thiếu tướng, PGS, TS Đinh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng, PGS, TS Đinh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng tham luận tại hội thảo.

Hội nghị quân sự Trung Giã được tiến hành từ ngày 4/7/1954 đến ngày 27/7/1954 tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Hội nghị là kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trực tiếp là thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nếu như Hội nghị Geneva đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì Hội nghị quân sự Trung Giã bàn bạc và thỏa thuận những biện pháp cụ thể, hiện thực hóa những quy định của Hội nghị Geneva về thực hiện ngừng bắn, tập kết chuyển quân, trao trả tù binh và thường dân bị bắt…

Theo TS Nguyễn Văn Phong, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trải qua 70 năm, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đã luôn thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, chủ động sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, xứng đáng với truyền thống “Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.

Theoqdnd.vn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoi-thao-70-nam-hoi-nghi-quan-su-trung-gia-gia-tri-lich-su-va-bai-hoc-post478857.html