Hội thảo 'Chèo và nghệ thuật dân gian Việt Nam': Hiểu chèo thì mới yêu chèo
Tôi đã từng tham dự nhiều buổi hội thảo về nghệ thuật truyền thống và nhận thấy hầu hết các nghệ sỹ và những người yêu nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… đều trăn trở: 'Ngày càng có ít người xem, nhất là với giới thanh niên'. Tại cuộc hội thảo với chủ đề 'Chèo và nghệ thuật dân gian Việt Nam' vừa được tổ chức đêm 11-8, tại Hà Nội, bên cạnh việc phân tích, giới thiệu
QĐND Online – Tôi đã từng tham dự nhiều buổi hội thảo về nghệ thuật truyền thống và nhận thấy hầu hết các nghệ sỹ và những người yêu nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… đều trăn trở: “Ngày càng có ít người xem, nhất là với giới thanh niên”. Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Chèo và nghệ thuật dân gian Việt Nam” vừa được tổ chức đêm 11-8, tại Hà Nội, bên cạnh việc phân tích, giới thiệu về những nét đẹp của nghệ thuật chèo,vẫn là những nỗi niềm trăn trở với nghề của những nghệ sĩ…
Phòng hội thảo không rộng, nhưng được bài trí rất “chèo”. Giữa nhà là một chiếu chèo, xung quanh là ghế ngồi cho khách tham dự. Khác với dự đoán của tôi, có khá nhiều người cũng quan tâm và đến dự buổi hội thảo này. Cả căn phòng đầy ắp khán giả, với đủ mọi lứa tuổi, già, trẻ, gái trai, tất cả đều háo hức hướng lên sân khấu nhỏ - nơi có 7 diễn viên trẻ từ trường Đại học sân khấu Điện ảnh với mũ áo xênh xang cùng tay trống, tay đàn ngồi xung quanh chiếu chèo.
Mở đầu buổi hội thảo, tiến sĩ về nghệ thuật dân gian Trần Đoàn Lâm giới thiệu: Hát chèo là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đã tồn tại từ lâu đời ở Việt Nam. Có một thời gian dài, đối với người nông dân Việt Nam không hình thức giải trí nào lôi cuốn họ bằng nghệ thuật chèo vì đó là món ăn tinh thần duy nhất của họ. Khi xem các vở chèo, người nông dân thấy được đời sống thực của mình, với những mặt tích cực và tiêu cực, với những ước mơ cũng như những quan niệm rất cụ thể về cái tốt và cái xấu. Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. Sân khấu chèo dân gian đơn giản, những danh từ chèo sân đình, chiếu chèo cũng phát khởi từ đó.
Qua lời giới thiệu và phân tích của tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, kết hợp với nhóm diễn viên minh họa của trường đại học Sân khấu điện ảnh, nhiều người mới ngạc nhiên khi biết rằng: Những chiếu chèo nơi thôn dã ngày xưa có sức cuốn hút khán giả vô cùng mãnh liệt bởi những làn điệu ngọt ngào đầy chất men say, cùng những điệu múa mềm mại... trong các tích chèo gần gụi với người với người xem.
Với chèo, yếu tố làm nên sức hấp dẫn với khán giả chính là các diễn viên. Diễn viên ngoài hát hay, diễn nuột nà, còn phải có nội tâm. Những lời hát trong chèo sử dụng rất nhiều tục ngữ, ca dao, dân ca có từ lâu đời. Các diễn viên biểu diễn tâm trạng bằng các điệu múa, nhưng những điệu múa ấy không trừu tượng, ước lệ nhiều như một số loại hình nghệ thuật khác mà rất cụ thể. Nó có nguồn gốc từ sinh hoạt và lao động của người nông dân. Đặc biệt trong chèo còn có những vai hề hết sức hài hước. Vai hề là một vai diễn khó, có hầu hết trong các vở diễn chèo. Nhân vật hề được phép chế nhạo thoải mái, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có hai loại hề chính bao gồm: hề mồi (hề nhảy múa không dùng gậy) và hề gậy (hề nhảy múa với cây gậy). Một yếu tố nữa làm nên sức sống của chèo, đó chính là nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống chèo. Các cụ xưa từng nói: “phi trống bất thành chèo”, chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Ngoài ra, biểu diễn chèo không thể thiếu hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị đồng thời thêm cả sáo. Trong chèo hiện đại nay có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tiêu..
Kết thúc buổi hội thảo, nhiều khán giả vẫn chưa dứt những tràng cười hết sức thoải mái trong trích đoạn anh thầy bói sợ ma do nhóm minh họa thể hiện trên sân khấu nhỏ này. Quả đúng như lời tâm sự của tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, có hiểu chèo thì mới yêu chèo và tôi tin rằng, sự nhiệt tình của những người đam mê chèo sẽ là động lực thu hút ngày càng nhiều khán giả hướng về bộ môn nghệ thuật này.